Kế hoạch 193/KH-UBND năm 2014 thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 193/KH-UBND
Ngày ban hành 25/09/2014
Ngày có hiệu lực 25/09/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Kim Mai
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 193/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 25 tháng 9 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19/NQ-CP NGÀY 18/03/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), qua đánh giá của các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang tuy được xếp vào nhóm khá qua các năm, nhưng về thứ hạng không ổn định, cụ thể tỉnh Tiền Giang đứng thứ: 12/63 tỉnh/thành (năm 2007), 21/63 (năm 2008), 9/63 (năm 2009), 24/63 (năm 2010), 31/63 (năm 2011), 29/63 (năm 2012), 37/63 (năm 2013). Tuy năm 2012, Tiền Giang được lên 02 hạng so với năm 2011, nhưng sự cải thiện này chưa có được sự bứt phá, đến năm 2013, PCI của tỉnh lại giảm.

So với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2010 tỉnh Tiền Giang xếp trên 03 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; năm 2011 xếp trên 05 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long; năm 2012 xếp trên 02 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau và năm 2013 Tiền Giang xếp trên Cà Mau. So với các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2010 Tiền Giang xếp trên 03 tỉnh là Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước; năm 2012 xếp trên 02 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh; đến năm 2013 Tiền Giang xếp trên 02 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Chỉ số PCI tỉnh Tiền Giang từ năm 2007 - 2013.

Năm

Tiêu chí

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

Gia nhập thị trường

8,81

9,13

8,97

6,92

8,79

8,96

7,31

Tiếp cận đất đai

7,10

6,64

8,84

7,48

6,97

7,02

7,04

Tính minh bạch

6,39

6,74

6,91

6,19

5,83

5,78

5,43

Chi phí thời gian

5,49

5,99

5,71

5,38

7,31

5,17

7,4

Chi phí không chính thức

7,71

6,86

8,03

7,04

8,36

6,8

8,17

Tính năng động

6,76

5,64

7,43

6,27

1,93

6,6

5,61

Hỗ trợ doanh nghiệp

5,44

7,53

3,07

4,53

2,49

2,88

3,68

Đào tạo lao động

4,97

4,63

5,34

5,37

4,73

4,24

5,13

Thiết chế pháp lý

6,10

4,56

4,7

4,4

6,87

5,03

7,3

Tổng điểm

64,63

57,27

65,81

59,63

59,58

57,63

57,19

Xếp hạng

12

21

9

24

31

29

37

Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Từ số liệu trên cho thấy rằng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đánh giá chưa cao về vấn đề “Chi phí gia nhập thị trường” điểm giảm từ 8,81 năm 2007 xuống 7,31 điểm trong năm 2013, nhà đầu tư phải tốn nhiều chi phí, thời gian hơn để có đầy đủ giấy phép theo quy định. “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” giảm từ 6,39 điểm trong năm 2007 xuống còn 5,43 điểm trong năm 2013, cho thấy khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh, các văn bản cần thiết cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chưa được cung cấp và công khai đầy đủ. “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo” tỉnh giảm từ 6,76 điểm trong năm 2007 xuống còn 5,61 trong năm 2013, cho thấy sự linh hoạt trong quá trình thực thi chính sách Trung ương nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cũng như cơ chế hỗ trợ thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa được doanh nghiệp đánh giá cao trong quá trình thực thi. “Dịch vụ hỗ trợ danh nghiệp” giảm điểm cao nhất từ 5,44 trong năm 2007 xuống còn 3,68 trong năm 2013, cho thấy doanh nghiệp đánh giá chưa cao các dịch vụ của tỉnh để phát triển khu vực tư nhân như xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu/cụm công nghiệp tại địa phương và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp...

Về mặt tích cực trong môi trường đầu tư của tỉnh hiện nay cho thấy rằng các chỉ số “Chi phí không chính thức”, “Đào tạo lao động” và “Thiết chế pháp lý” được doanh nghiệp đánh giá khá cao, điều này thể hiện qua điểm của các tiêu chí này tăng hơn so với trước kia.

Nhìn chung, các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang có sự thay đổi, một số tiêu chí được doanh nghiệp đánh giá cao, tuy nhiên các tiêu chí giảm điểm thì nhiều hơn các tiêu chí tăng điểm.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2014 và những năm tiếp theo; đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/03/2014 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã Cai Lậy và Gò Công tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện tốt kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh như sau:

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong tiếp cận thông tin, thủ tục, quy định quản lý nhà nước, các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thành phố, thị xã; các chính sách về khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

2. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát triển, đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

3. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về: đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, nước khoáng sản, công thương, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp... Từng bước rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương, kiến nghị bãi bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết. Tiếp tục áp dụng thực hiện quản lý chất lượng công việc theo tiêu chuẩn ISO tại cơ quan; thực hiện tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", các hồ sơ điều giải quyết đúng hoặc trước thời hạn, đúng trình tự. Xây dựng các quy trình thủ tục đầu tư theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết nhằm tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong việc đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

4. Tăng cường tiếp xúc doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

5. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông đường tỉnh 878, 871B, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh. Có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực như là một phương thức phát triển mới, đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

6. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; kỹ năng quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, hội nhập quốc tế với lộ trình phù hợp; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

7. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường quản lý bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.

8. Trong giai đoạn 2014 - 2015, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Phấn đấu giải quyết thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư không quá 15 ngày làm việc. Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 5 ngày làm việc; cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp;

9. Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình (171 giờ/năm); rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày;

10. Hoàn thiện quy định về quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư vào Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế;

11. Tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế; công khai hóa, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

III. GIẢI PHÁP CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

1. Các sở, ngành và UBND cấp huyện theo chức năng nhiệm vụ được giao:

a) Rà soát thủ tục hành chính: Định kỳ (2 lần/năm) thực hiện rà soát các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ngành để kịp thời trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định công bố thủ tục hành chính mới ban hành; được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan.

b) Công khai minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của ngành, cơ quan, đơn vị về thủ tục hành chính và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Chủ động, bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, có trách nhiệm trong hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính bảo đảm đúng tiến độ theo quy định. Tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính trong triển khai dự án đầu tư tại các cấp chính quyền địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ.

[...]