Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2014 thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 72/KH-UBND
Ngày ban hành 16/06/2014
Ngày có hiệu lực 16/06/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Cao
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 16 tháng 06 năm 2014

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19/NQ-CP VỀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, những năm qua Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là trong giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh... ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích, thu hút đầu tư; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh; chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông và dạy nghề. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong các ngành, lĩnh vực, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thừa Thiên Huế luôn được xếp trong nhóm tốt và khá, năm 2013, xếp thứ hai so cả nước là kết quả cao nhất đạt được. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục để nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh. Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/03/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP gồm các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

1. Mục tiêu:

Xây dựng Thừa Thiên Huế có môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp ở nhóm dẫn đầu.

Trong giai đoạn 2014 - 2015, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.

2. Chỉ tiêu phấn đấu:

- Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp;

- Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức bình quân 171 giờ/năm;

- Rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày;

- Bảo đảm quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế;

- Tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế;

- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn tối đa 30 tháng;

- Công khai hóa, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Cải thiện các chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện, các Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 08/5/2014 của UBND tỉnh về nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 và Kế hoạch cụ thể hóa của đơn vị; tập trung vào việc:

- Đơn giản hóa và giải quyết nhanh các thủ tục hành chính để giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức của người dân và các doanh nghiệp khi tiếp xúc với các cơ quan hành chính nhà nước;

- Tạo điều kiện tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;

- Công khai, minh bạch các thông tin pháp lý, thủ tục hành chính và chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp;

- Giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

2. Rà soát, bổ sung cơ chế chính sách

- Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: chính sách khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, đăng ký thương hiệu sản phẩm, chính sách khuyến khích đầu tư và lĩnh vực công nghiệp và thương mại, chính sách phát triển hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ quà tặng, lưu niệm thương hiệu Huế; chính sách phát triển sản phẩm thương hiệu Huế; chính sách phát triển thương mại điện tử hỗ trợ xuất khẩu; chính sách đầu tư khu làng nghề Thủy Xuân...

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp “sạch”, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.

- Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách tiếp cận đất đai, khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề. Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề theo nghề và trình độ đào tạo.

[...]