Kế hoạch 86/KH-UBND về phát triển Cảng biển và dịch vụ cảng biển năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 86/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2023
Ngày có hiệu lực 24/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 24 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

VỀ PHÁT TRIỂN CẢNG BIỂN VÀ DỊCH VỤ CẢNG BIỂN NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/04/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Gọi tắt là Nghị quyết 15-NQ/TU); Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 23/7/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Gọi tắt là Kế hoạch 168/KH-UBND); Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 (Gọi tắt là Nghị quyết 12-NQ/TU); Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (Gọi tắt là Nghị quyết 128/NQ-HĐND); theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 642/KHĐT-KTN ngày 28/02/2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về phát triển Cảng biển và dịch vụ cảng biển năm 2023 trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Quán triệt triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU, Nghị quyết 12-NQ/TU, Nghị quyết 128/NQ-HĐND, Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 609-TB/TU ngày 10/6/2022 về kết quả kiểm tra một số cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Gọi tắt là Thông báo 609-TB/TU).

- Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 168/KH-UBND đảm bảo thống nhất, đồng bộ; xây dựng hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết 15-NQ/TU, Kế hoạch 168/KH-UBND.

2. Yêu cầu:

- Kế hoạch thực hiện phải được cụ thể hóa bằng các giải pháp khả thi, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm gắn với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương, đơn vị, xác định rõ mục tiêu, tiến độ thực hiện năm 2023;

- Đảm bảo phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm công tác tham mưu về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp tại cảng biển và dịch vụ cảng biển từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển;

- Tiếp tục đổi mới phương pháp phối hợp giữa các cơ quan nhà nước Trung ương với địa phương, giữa nhà nước và doanh nghiệp tạo sự liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương để phát triển các khu vực cảng biển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phải đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và gắn với công tác vận động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

II. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Dịch vụ cảng biển: (i) Tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 3.988 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,38 %/năm; Dịch vụ cảng biển đóng góp khoảng 0,52% trong GRDP của tỉnh, (ii) Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng 134 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 13.600 lượt khách, (iii) Tổng lượng khách du lịch biển, đảo đạt 9,8 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt khách (chi tiết theo phụ biểu 01).

2. Dịch vụ cảng hành khách1: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng dịch vụ công cộng, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng các dịch vụ xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế. Thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển các dịch vụ độc đáo, chất lượng cao, mang tầm quốc tế phục vụ khách du lịch như phố đêm du thuyền, phố ẩm thực, chợ đêm...; Phấn đấu trong năm 2023 thu hút tối thiểu 01 doanh nghiệp thực hiện đại lý hàng hải trực tiếp cho các tàu khách quốc tế tại Quảng Ninh.

3. Dịch vụ cảng hàng hóa; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm đơn giản, rút ngắn thủ tục, thời gian nhập cảnh, xuất cảnh của tàu biển, hàng hóa ra, vào các khu bến, cảng biển trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục phát triển các dịch vụ chủ đạo đem lại giá trị gồm dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa, giao nhận hàng hóa, dịch vụ sau cảng, đại lý hàng hải và đại lý làm thủ tục hải quan, dịch vụ lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển, đồng thời tiếp tục phát triển thêm dịch vụ tiềm năng và không gây ô nhiễm môi trường như dịch vụ thu gom hàng lẻ (CFS), kho hàng lạnh.

4. Hạ tầng cảng biển: Tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng cảng biển theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-UBND ngày 22/9/2021; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1), hạ tầng cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc (khu kinh tế ven biển Quảng Yên), xúc tiến đầu tư các dự án cảng biển quan trọng bao gồm: Con Ong - Hòn Nét; Hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án dịch vụ cảng biển, sản xuất chế biến, chế tạo và thu hút đầu tư phát triển khu dịch vụ hậu cần sau cảng, dịch vụ logistics tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên2; Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối để tạo động lực thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đối với các dự án hạ tầng cảng biển.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai

- Tăng cường truyền thông chủ động, nâng cao chất lượng công tác phối hợp truyền thông để cung cấp thông tin về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, của đất nước, đặc biệt trong việc phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thường xuyên theo dõi, tổng hợp thông tin viết về Quảng Ninh, qua đó, kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý đối với những thông tin có nội dung về cảng biển và phát triển dịch vụ cảng biển chưa khách quan, thiếu chính xác.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan báo chí Trung ương hợp tác truyền thông với tỉnh xây dựng chuyên đề thông qua hình thức phóng sự truyền hình, báo chí để thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cảng biển Quảng Ninh.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển.

- Đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) ven biển biển Quảng Yên và các quy hoạch phân khu chức năng trong các KKT; Quy hoạch chi tiết một số khu công nghiệp (KCN) mới có tiềm năng dọc 2 bên tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến các địa phương Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều, khu vực tiếp giáp giữa Hạ Long và Cẩm Phả, khu vực gần với KCN cảng biển Hải Hà;

- Tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển, để đánh giá, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cảng biển Quảng Ninh.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đơn giản, rút ngắn thủ tục, thời gian nhập cảnh, xuất cảnh của tàu biển ra, vào cảng biển. Nghiên cứu xây dựng một số phần mềm quản lý liên quan đến thuyền viên, phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm các mặt hàng thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, thủ tục kiểm tra chuyên ngành không còn phù hợp nhằm giảm thời gian và chi phí trong việc nộp / xuất trình hồ sơ của doanh nghiệp với cơ quan hải quan và các bên có liên quan.

- Tiếp tục rà soát các loại phí và lệ phí, giá dịch vụ để đưa ra các giải pháp quản lý và các mức thu nhằm khuyến khích, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cảng biển hoạt động trên địa bàn tỉnh, đồng thời quản lý chặt chẽ các khoản thu ngân sách nhà nước.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác quản lý về cảng biển và dịch vụ cảng biển; tăng cường rà soát các dự án có sử dụng đất trên địa bàn, đề xuất thu hồi các dự án chậm triển khai, sử dụng đất không đúng mục đích, đặc biệt là các dự án hoạt động bến bãi, cảng biển để dành quỹ đất đầu tư các dự án dịch vụ logistics.

- Thu thập dữ liệu và tính toán các chỉ tiêu có liên quan đến phát triển dịch vụ cảng biển để làm cơ sở đánh giá hiệu quả các giải pháp phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh.

3. Đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối

[...]