Kế hoạch 8332/KH-UBND năm 2015 thực hiện Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 8332/KH-UBND
Ngày ban hành 14/10/2015
Ngày có hiệu lực 14/10/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thành Trí
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8332/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 14 tháng 10 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 404/QĐ-TTG NGÀY 27/3/2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Thực hiện Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau đây gọi chung là Quyết định số 404/QĐ-TTg), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục phổ thông cùng cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân đối với việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thônggóp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

b) Chuẩn bị các điều kiện và tổ chức triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình triển khai thực hiện của các bộ, ngành Trung ương có liên quan đạt kết quả tốt.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức quán triệt sâu rộng mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

b) Phối hợp đồng bộ, kịp thời trong việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện có kết quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; kết hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

II. NỘI DUNG

1. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 29/7/2014 của Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kế hoạch số 10046/KH-UBND ngày 23/10/2014 của UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 194-KH/TU của Tỉnh ủy. Trên cơ sở nội dung Quyết định số 404/QĐ-TTg quán triệt mục tiêu, định hướng, giải pháp, lộ trình thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục quán triệt nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kế hoạch số 194-KH/TU, Kế hoạch số 10046/KH-UBND; triển khai phổ biến nội dung Quyết định số 404/QĐ-TTg đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh để hiểu biết, đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Các cơ quan chức năng, các đoàn thể, tổ chức xã hội cấp tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) quán triệt nội dung các văn bản nêu trên đến cán bộ, công chức, viên chức có liên quan để kịp thời, tích cực tham gia vào các nhiệm vụ được giao.

- Các cơ quan có chức năng truyền thông, báo, đài trên địa bàn tỉnh và địa phương phối hợp tuyên truyền nội dung các chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo sự đồng thuận, phát huy hiệu quả sự tham gia của xã hội.

b) Tăng cường thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội

- Căn cứ các nội dung chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh củng cố mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông theo định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chú trọng hơn nữa nội dung giáo dục lòng yêu nước, yêu lao động, lòng nhân ái, tôn trọng pháp luật,…

- Các cơ quan quản lý giáo dục tăng cường chỉ đạo công tác hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động đoàn - đội và hoạt động chuyên môn trong cơ sở giáo dục phổ thông. Các cơ sở giáo dục phổ thông đẩy mạnh việc đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động đoàn - đội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục học sinh trong từng môn học; đẩy mạnh thi đua “Dạy tốt học tốt” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; tăng cường và nâng cao hiệu quả sự phối hợp với gia đình học sinh, các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc chăm lo, giáo dục học sinh.

- Các cơ quan chức năng chuyên ngành có liên quan, các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Khuyến học, Ban Đại diện cha mẹ học sinh và các đoàn thể, tổ chức xã hội khác tiếp tục quan tâm, phối hợp kịp thời với nhà trường để giáo dục học sinh có hiệu quả cao.

c) Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Căn cứ nội dung Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; dựa vào tình hình thực tế của địa phương các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội có liên quan và UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi quản lý; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kịp thời kết quả thực hiện của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức mình quản lý. Kế hoạch của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể xã hội phải cụ thể hóa các nhiệm vụ, phân công tổ chức thực hiện, lộ trình thực hiện; chú trọng sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức; đảm bảo có sự kết hợp triển khai chặt chẽ với các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan đến việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được ban hành hoặc sẽ được ban hành trong thời gian tới.

d) Đảm bảo các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông

- Tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch, đề án, dự án, quy hoạch tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực để đáp ứng được yêu cầu triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các cơ sở giáo dục phổ thông rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đã có; đồng thời xây dựng kế hoạch bổ sung kịp thời, đầy đủ, đảm bảo về chất lượng đáp ứng được yêu cầu triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp hợp lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm các điều kiện triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt; kịp thời tham mưu cơ quan chức năng có thẩm quyền xây dựng kế hoạch triển khai các đề án của Chính phủ có liên quan nêu tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ và Kế hoạch số 10046/KH-UBND ngày 23/01/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai.

đ) Tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

[...]