Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 79/KH-UBND về hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 79/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2023
Ngày có hiệu lực 31/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/KH-UBND

Cà Mau, ngày 31 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”; Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Công văn số 7744/BCT-XNK ngày 02/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định mục tiêu và định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp theo các nội dung của Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022, Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 và Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cà Mau và khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa; chủ động hội nhập kinh tế thế giới.

- Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa dựa trên quan điểm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển sản xuất xanh sạch, bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, có hàm lượng giá trị gia tăng cao của tỉnh; xuất khẩu chính ngạch; tăng cường xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa tỉnh Cà Mau và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

2. Yêu cầu

- Các nội dung của Kế hoạch bám sát nội dung Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022, Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022; Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính và phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp và của tỉnh Cà Mau.

- Các nhiệm vụ triển khai phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu của thị trường, trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa các mặt hàng và thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế khó khăn, thách thức. Đồng thời, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ logistics, phát triển sản xuất xanh, sạch, bền vững; tăng cường chế biến sâu sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu.

- Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tổ chức thực hiện đạt Kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xuất nhập khẩu hàng hóa phát triển bền vững, chú trọng phát triển sản phẩm xuất khẩu chủ lực, phát triển thương hiệu hàng hóa để nâng cao vị thế hàng hóa của tỉnh Cà Mau trong chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các địa phương về tình hình sản xuất và xuất khẩu để hợp tác, xác định thị trường tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản; hình thành vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu; bổ sung các quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh phục vụ xuất khẩu. Tìm kiếm và mở rộng thị trường góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm giai đoạn 2021 - 2030; phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1.730 triệu USD, trong đó, thủy sản 1.600 triệu USD, phân bón 100 triệu USD, các mặt hàng khác (nông lâm sản, may mặc,...) 30 triệu USD.

- Nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch; nguyên nhiên liệu, vật tư, phụ gia... phục vụ chế biến xuất khẩu; hạn chế nhập khẩu các máy móc, thiết bị, vật tư,... trong nước sản xuất được.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu

1.1. Phát triển sản xuất công nghiệp

- Thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp; các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Tuyên truyền, thúc đẩy việc áp dụng sản xuất sạch nhằm tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, giảm tỷ lệ tiêu hao và quản lý tốt an toàn sản xuất công nghiệp. Khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng các biện pháp để cải thiện và xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp.

- Đẩy mạnh liên kết giữa công nghiệp, nông nghiệp và thương mại nhằm phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, sản lượng ổn định; quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ cho công nghiệp chế biến, gắn với xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm xuất khẩu.

- Xác định các mặt hàng chủ lực của tỉnh để tham mưu, tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, chế biến xuất khẩu góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh như thủy sản (tôm, cá, mực, của, bột cá,...), gạo, chuối, may mặc, điện...

1.2. Phát triển sản xuất nông nghiệp

- Triển khai có hiệu quả Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất xanh, sạch, bền vững. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, chế biến các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực có tính cạnh tranh cao nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị gia tăng các mặt hàng xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

- Có chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực như tôm, cua biển, lúa gạo, chuối, gỗ, sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ; sản phẩm OCOP; có chính sách xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho chế biến hàng xuất khẩu.

- Tăng cường phát triển hợp tác, liên kết giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp trong việc phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

[...]