Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2023 về hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2030

Số hiệu 112/KH-UBND
Ngày ban hành 30/03/2023
Ngày có hiệu lực 30/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/KH-UBND

Hà Giang, ngày 30 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Công văn số 7744/BCT-XNK ngày 02/12/2022 của Bộ Công Thương về việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định mục tiêu và định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đến năm 2030, nhằm khai thác tối đa lợi thế và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng, phát triển bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, góp phần cân bằng cán cân thương mại quốc tế.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và có lợi thế của tỉnh, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển.

- Tập trung khuyến khích, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, phát triển thương hiệu sản phẩm, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng Kế hoạch phải bám sát các nội dung Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; đồng thời, phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh và điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phù hợp với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh; phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển xuất khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch và thị trường, trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng và thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế khó khăn, thách thức.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa thế mạnh của địa phương. Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường vào quá trình sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, có khả năng gia nhập thị trường trong nước, khu vực và thế giới, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tập trung vào sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản có lợi thế của địa phương, như: Chè, hoa quả tươi, sản phẩm chế biến từ gỗ, sản phẩm dược liệu (quế, thảo quả) và sản phẩm chế biến từ khoáng sản.... Ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được.

- Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 500 triệu USD và đến 2030 đạt trên 800 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10-12%/năm.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác quy hoạch và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

- Hoàn thiện, triển khai phương án phát triển công nghiệp, thương mại giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phương án phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng gắn với các chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tỉnh, làm cơ sở để định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Triển khai vận dụng có hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và các chương trình, dự án nhằm huy động các nguồn lực tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

- Rà soát, đề xuất các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định chồng chéo nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các cam kết quốc tế, thu hút, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

2. Phát triển sản xuất tạo nguồn cung cho xuất khẩu

a) Về phát triển sản xuất công nghiệp

- Phát triển công nghiệp theo cả về chiều sâu và chiều rộng, chú trọng trên ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, duy trì ổn định ngành công nghiệp khai khoáng, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị.

- Đẩy mạnh liên kết giữa công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ và thương mại nhằm phát triển các vùng nguyên liệu nông lâm sản tập trung, sản lượng ổn định; quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ cho công nghiệp chế biến, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm xuất khẩu.

- Tập trung thu hút đầu tư các dự án (như: sản xuất gỗ, các sản phẩm gỗ; khoáng sản; chế biến nông sản, dược liệu...) vào khu công nghiệp Bình Vàng và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh, nhằm tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu.

[...]