Kế hoạch hành động 223/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030

Số hiệu 223/KH-UBND
Ngày ban hành 30/03/2023
Ngày có hiệu lực 30/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 223/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 30 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TỈNH BẮC KẠN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Công văn số 7744/BCT-XNK ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Bộ Công Thương về việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định mục tiêu và định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030, nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; chủ động hội nhập kinh tế thế giới.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển.

- Tập trung khuyến khích, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch, phát triển thương hiệu sản phẩm, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng Kế hoạch phải bám sát các nội dung Quyết định số 493/QĐ- TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII nhiệm kỳ 2020- 2025; đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế trên địa bàn tỉnh.

- Quá trình triển khai Kế hoạch hành động phải đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, điều hành, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; gắn với thương mại xanh, thương mại công bằng với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phù hợp với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh; phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển xuất khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch và thị trường, trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm đa dạng hóa các mặt hàng và thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế khó khăn, thách thức.

- Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đảm bảo hiệu quả của việc triển khai thực hiện kế hoạch.

II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 tăng bình quân từ 6-7%/năm trở lên, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 8%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng bình quân 5-6%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt từ 45 triệu USD trở lên.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu: Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao với khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông sản chế biến chiếm 10%.

- Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: Tập trung vào các nhóm, ngành hàng có lợi thế về nguyên liệu, có giá trị gia tăng cao như; Các sản phẩm từ gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, viên gỗ nén, hạt gỗ, ván gỗ composite tổng hợp, tre ép khối, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần, giấy…); các sản phẩm nông sản đã qua chế biến tinh (miến dong, rau, củ, quả, dược liệu, gừng, nghệ, kiệu, rượu…); các sản phẩm khoáng sản chế biến (kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat, thạch anh...).

- Tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

III. NỘI DUNG

1. Định hướng phát triển xuất khẩu hàng hóa

a) Định hướng phát triển mặt hàng xuất khẩu

Trong giai đoạn tới tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đưa nhóm hàng công nghiệp chế biến trở thành động lực của xuất khẩu hàng hóa với tỷ trọng ngày càng tăng; cụ thể như:

- Trục sản phẩm quốc gia tập trung phát triển 2 nhóm sản phẩm là gỗ, chế biến gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, viên gỗ nén, hạt gỗ, ván gỗ composite tổng hợp, tre ép khối, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần, giấy…) và dược liệu (tinh dầu hồi, quýt, quế, giảo cổ lam,...).

- Trục sản phẩm địa phương tập trung phát triển các nhóm sản phẩm: Miến dong; quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam quýt, hồng, mận, mơ và chuối; chè; các sản phẩm từ nghệ (tinh bột, Curcumin);

- Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu: Tập trung phát triển các nhóm sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị cao như: Rau, củ, quả; gạo.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ