Kế hoạch 540/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 540/KH-UBND
Ngày ban hành 28/03/2023
Ngày có hiệu lực 28/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 540/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 28 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐẾN NĂM 2030 CỦA TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của tỉnh Quảng Bình (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới mục tiêu: xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của Quảng Bình và hàng hóa Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể

- Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh Quảng Bình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển.

- Tập trung khuyến khích, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch, phát triển thương hiệu sản phẩm, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

- Mở rộng quy mô xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: Thủy hải sản, tinh bột sắn, các loại hạt đậu đỗ, sản phẩm gỗ; sản phẩm may mặc, phân bón, xi măng, khoáng sản..., chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Quảng Bình.

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2030 đạt 9,6%, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 7,2%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt 12,2%/năm. Tốc độ tăng bình quân của kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt 6,6%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt 7,1%/năm.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu

1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2305/QĐ-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 gắn với chuyển đổi số, phát triển sản xuất xanh, sạch, bền vững; Quyết định số 3852/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn 2045; Kế hoạch số 1218/KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; Kế hoạch số 1326/KH-UBND ngày 22/7/2022 về Phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025.

- Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống nhằm tạo giá trị cho các sản phẩm nông sản của tỉnh, tạo ưu thế riêng trong xuất khẩu.

- Lựa chọn một số sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu.

- Mở rộng liên kết vùng có sản phẩm tương đồng, tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa đủ sản lượng lớn, đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu.

1.2. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng chế biến sâu. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp hướng đến cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp.

- Đẩy mạnh việc áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm điện, nước, vật tư, tận dụng nguyên vật liệu, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư, nguyên liệu và quản lý tốt sản xuất công nghiệp. Khuyến khích đầu tư nghiên cứu áp dụng các quy trình và phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, tìm kiếm thị trường xuất khẩu...). Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đặc trưng cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh (thủy hải sản, tinh bột sắn, các loại hạt đậu đỗ, sản phẩm gỗ; sản phẩm may mặc, phân bón, xi măng, khoáng sản...); quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các Sàn Thương mại điện tử; kết nối các kênh bán hàng trực tuyến cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP; EVFTA; UKVFTA; RCEP... để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

1.3. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan:

- Tập trung kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, thu hút các dự án đầu tư có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, quy mô lớn, an toàn về môi trường vào các khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo nguồn hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, kim ngạch lớn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đã được cấp phép chủ trương đầu tư sớm đi vào hoạt động và hoạt động đủ công suất đã đăng ký.

- Tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo gắn với hành lang Quốc lộ 12A, 12C thành khu vực kinh tế động lực của tỉnh và là đầu mối trung chuyển hàng hóa, trung tâm logicstic quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp.

1.4. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan:

- Đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.

[...]