Kế hoạch 78/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 78/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2023
Ngày có hiệu lực 31/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 31 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY VÀ DA GIẦY VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (sau đây viết tắt là Quyết định số 1643/QĐ-TTg). Để triển khai Chiến lược có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Quyết định số 1643/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; gắn với định hướng tại Nghị quyết số 45-NQ/TU ngày 01/9/2021 của Tỉnh ủy Lạng Sơn về phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ nhiệm vụ theo phạm vi chức năng, thẩm quyền của các sở, ban, ngành và thực tế phát triển ngành Dệt May và Da Giầy tại địa phương và nội dung Quyết định số 1643/QĐ-TTg.

- Việc tổ chức triển khai phải đồng bộ, hiệu quả, bám sát mục tiêu, định hướng phát triển đảm bảo đúng tinh thần Quyết định số 1643/QĐ-TTg.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Thu hút đầu tư các dự án ngành Dệt May và Da Giầy có hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển bền vững; các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên liệu, phụ liệu hỗ trợ ngành dệt may đến đầu tư sản xuất, kinh doanh.

- Phát triển ngành Dệt May và Da Giầy gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội ở khu vực nông thôn.

- Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phục vụ thu hút các nhà đầu tư đầu tư chuỗi khép kín ngành Dệt May và Da Giầy. Các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên liệu, phụ liệu hỗ trợ ngành dệt may.

- Đến năm 2035, tỉnh Lạng Sơn có ngành Dệt May và Da Giầy phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; tham gia vào việc hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, góp phần tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển thương hiệu cạnh tranh được trong nước và khu vực.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2030

- Đến năm 2030, phát triển hoàn thiện đưa vào hoạt động từ 3-4 cụm công nghiệp để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư ngành Dệt May và Da Giầy.

- Phấn đấu thu nhập của lao động ngành Dệt May và Da Giầy đạt tương đương mức thu nhập của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm khoảng cách với mức thu nhập bình quân chung lao động trong doanh nghiệp cả nước.

b) Tầm nhìn đến năm 2035

- Thúc đẩy cải thiện nội địa hoá, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu phát triển và sản xuất các sản phẩm Dệt May và Da Giầy trong nước.

- Tiếp tục phấn đấu thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy của tỉnh đạt tương đương thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cùng ngành trong cả nước.

- Phấn đấu đưa tỉnh Lạng Sơn nằm trong chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giầy đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

- Phát triển ngành Dệt May và Da Giầy trên địa bàn tỉnh theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh.

- Thu hút đầu tư đối với các mô hình sản xuất đòi hỏi năng lực cao về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại, gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp may mặc, sản xuất trang phục may sẵn, gia công may xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Dệt May và Da Giầy trong và ngoài nước.

- Từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May và Da Giầy; các nhà máy sản xuất xơ, sợi, vải, vải nhân tạo, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, giảm nhập khẩu, từng bước hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành Dệt May và Da Giầy, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ