Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 4684/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2035

Số hiệu 4684/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/12/2016
Ngày có hiệu lực 20/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Phan Cao Thắng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4684/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 20 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP DỆT MAY TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 74/TTr-SCT ngày 22/9/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2035, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm, mục tiêu phát triển

a. Quan điểm

Phát triển ngành dệt may tỉnh Bình Định theo hướng hiện đại, chuyên môn hóa; từng bước chuyển từ gia công sang sản xuất chuỗi sản phẩm, trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý bảo vệ môi trường theo các chuẩn mực quốc tế.

Thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển ngành dệt may của tỉnh. Khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Khuyến khích doanh nghiệp ngành dệt may không ngừng đổi mới thiết bị và cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chú trọng và từng bước tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng của xã hội.

Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển. Từng bước hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong ngành.

Phát triển ngành dệt may tỉnh Bình Định phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam; phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn tỉnh, đồng thời gắn với phát triển bền vững và quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

b. Mục tiêu

- Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển công nghiệp dệt may tỉnh Bình Định trở thành ngành kinh tế quan trọng, một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu, có nhiều sản phẩm chất lượng cao; từng bước đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến sản phẩm; quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Phấn đấu sau năm 2025, Bình Định trở thành một trong những trung tâm dệt may của khu vực duyên hải miền Trung, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong khu vực và thế giới.

- Mục tiêu cụ thể

+ Giai đoạn 2016 - 2020:

Phấn đấu mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành dệt may toàn tỉnh đạt khoảng 17,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp dệt may toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 3.950 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với giá trị đạt của năm 2015 (theo giá so sánh 2010).

Tổng kim ngạch xuất khẩu 05 năm (2016 - 2020) dự kiến sẽ đạt khoảng 495 triệu USD. Trên cơ sở đó, ngành dệt may của tỉnh sẽ thu hút và tạo việc làm cho khoảng 18.800 lao động, tăng thêm khoảng 4.800 lao động so với năm 2015.

+ Giai đoạn 2021 - 2025:

Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 13-14%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của cả ngành dệt may sẽ đạt từ 7.400 - 7.800 tỷ đồng (giá so sánh 2010).

Tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 780 triệu USD (gấp 1,6 lần giai đoạn 2016 - 2020) và tạo việc làm cho 22.000 - 23.000 lao động (tăng thêm 3.800 - 3.900 lao động so với năm 2020).

+ Giai đoạn 2026 - 2030:

[...]