Kế hoạch 117/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030

Số hiệu 117/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2023
Ngày có hiệu lực 24/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Quý Phương
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Phát triển ngành Dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh trên cơ sở phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến 2045, với định hướng phát triển như sau: Ưu tiên tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dệt may để phục vụ, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung; phát triển lĩnh vực may mặc từ mô hình CMT (gia công may mặc) hiện nay sang mô hình sản xuất ODM (từ thiết kế đến gia công), đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh sản phẩm. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp thời trang. Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cảnh quan.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ngành Dệt may giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10% - 12%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11% - 12,5%/năm, giai đoạn 2025 - 2030 đạt 9,5% - 11%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10% - 12%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11% - 12%/năm, giai đoạn 2025 - 2030 đạt 10% - 11%/năm.

- Về năng lực sản xuất sản phẩm đến năm 2030:

+ Sản phẩm may mặc: 800 triệu sản phẩm

+ Sản phẩm sợi: 200.000 tấn sợi/năm

+ Về sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng trên 60% nhu cầu của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Các sở ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ tích cực triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp phát triển cho ngành Dệt may tỉnh đến năm 2030; xử lý và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để thúc đẩy phát triển mạnh ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ trọng tâm

a) Đẩy mạnh phát triển lĩnh vực sản xuất sợi, may mặc theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm

- Đối với lĩnh vực may mặc: Tập trung phát triển các khâu cắt vải, thiết kế mẫu mã và hoàn thiện sản phẩm để tăng năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm và chuyển dần từ hình thức gia công sang sản xuất sản phẩm cuối cùng để nâng cao giá trị gia tăng của phẩm phẩm may mặc; Đối với lĩnh vực sản xuất sợi: Phát triển theo hướng chuyên môn hóa và sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại.

- Đẩy mạnh phát triển các dự án dệt may theo hướng sản xuất xanh, bền vững và tuần hoàn (sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm; tăng sử dụng nguyên liệu tái chế, xử lý nước thải tuần hoàn…) để tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất sản phẩm dệt may của các thị trường xuất khẩu và đối tác lớn trên thế giới.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Đôn đốc, hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng dự án để sớm đưa vào hoạt động.

- Tập trung nguồn lực để đầu tư mở rộng và nâng cấp một số tuyến đường kết nối và hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của ngành dệt may trong thời gian tới.

- Tiếp tục phát triển, mở rộng tuyến vận tải container qua cảng Chân Mây để phục vụ nhu cầu xuất, nhập khẩu và giảm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp Dệt may trên địa bàn tỉnh.

b) Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh

- Đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và khu vực: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ. Ban hành Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh về Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tỉnh.

- Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh; các dự án sản xuất phụ liệu ngành may (như: cúc, mex, khóa kéo, băng chun,...), dự án sản xuất các phụ tùng đặc thù của ngành dệt may như lược, lamen, dây go (cho ngành dệt), khuyên, nồi, suốt sắt,… (cho ngành kéo sợi), chân bàn máy khâu, máy cắt, máy kiểm vải,... (cho ngành may), hệ thống thông gió làm mát, các loại xe vận chuyển trong nhà máy..., các phụ tùng thay thế, các thiết bị phụ trợ, các thiết bị dụng cụ lẻ phục vụ ngành dệt may.

- Đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời cần ưu tiên tập trung nguồn lực ngân sách tỉnh và tranh thủ nguồn ngân sách hỗ trợ của trung ương trong giai đoạn đến 2030 để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo yêu cầu phục vụ thu hút các dự án đầu tư sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dệt may.

[...]