Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 102/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 102/KH-UBND
Ngày ban hành 09/05/2023
Ngày có hiệu lực 09/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 09 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY VÀ DA GIẦY VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1.1. Mục đích

- Nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) phù hợp với định hướng phát triển ngành Dệt May và Da Giầy tỉnh Quảng Ngãi tại Quyết định số 2125/QĐ-UBND ngày 24/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các sở, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; góp phần đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm Dệt May và Da Giầy, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị xuất khẩu ngành Dệt May và Da Giầy.

- Nâng cao ý thức của Chủ doanh nghiệp Dệt May và Da Giầy trong việc cải tiến kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết toàn cầu, đảm bảo phát triển theo hướng công nghệ sạch, thân thiện, ưu tiên giảm chất thải.

1.2. Yêu cầu

Việc triển khai thực hiện Kế hoạch cần được tiến hành thường xuyên, đồng bộ và đảm bảo hiệu quả; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để thúc đẩy phát triển ngành Dệt May và Da Giầy trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

2.1. Mục tiêu chung

Thu hút đầu tư các dự án ngành Dệt May và Da Giầy có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, có năng lực cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; tiếp tục củng cố và phát triển các dự án hiện có, tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May và Da Giầy; đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực quản lý cao hơn về chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong lĩnh vực Dệt May và Da Giầy.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2030:

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy giai đoạn 2021-2030 đạt 15-17%.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May và Da Giầy năm 2025 đạt 345 triệu USD, năm 2030 đạt 400 triệu USD.

- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Dệt May và Da Giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8 - 8,3%”.

b) Giai đoạn 2031-2035:

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành Dệt May và Da Giầy là một trong những ngành chủ lực về sản xuất và xuất khẩu của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu bằng hoặc cao hơn cả nước.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

- Tiếp tục sản xuất các sản phẩm ngành Dệt May, da giày theo hướng phục vụ xuất khẩu, kết hợp đáp ứng nhu cầu trong nước với mẫu mã, chất lượng, giá cả phù hợp sức mua của người tiêu dùng.

- Phát triển ngành Dệt May, da giày theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao.

- Hình thành các cụm Dệt May, da giày, tạo mạng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp và phát triển chuỗi giá trị của ngành; hình thành các liên minh và các tổ chức hợp tác giữa các công ty theo chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến phân phối sản phẩm may mặc, da giầy.

- Tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất vải, sản phẩm dệt, kỹ thuật và phụ liệu phục vụ ngành may; ưu tiên nghiên cứu khả năng sản xuất các sản phẩm từ hóa dầu (xơ, sợi, hóa chất,...) phục vụ cho Dệt May; khuyến khích thu hút đầu tư sản xuất giày thể thao và giày vải trong sản xuất và xuất khẩu; sản xuất giày dép da thời trang và cặp, túi, ví chất lượng cao phục vụ thị trường mới, thị trường cao cấp và thị trường nội địa.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

4.1. Về phát triển thị trường

- Triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy phát triển thị trường theo các các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quy định tại Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi quy định nội dung và mức hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm phát triển ngoại thương của tỉnh Quảng Ngãi; Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

[...]