Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 78/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 140/NQ-CP và Kế hoạch 212-KH/TU thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 78/KH-UBND
Ngày ban hành 02/04/2021
Ngày có hiệu lực 02/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Mai Xuân Liêm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/KH-UBND

Thanh hóa, ngày 02 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 140/NQ-CP NGÀY 02/10/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 212-KH/TU NGÀY 16/8/2020 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 55-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA CỦA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch số 212-KH/TU ngày 16/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 212-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của chính quyền và nhân dân về chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Kế hoạch là căn cứ cho các cấp, các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

2. Yêu cầu:

Xác định cụ thể nhiệm vụ để các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong từng giai đoạn, đảm bảo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành mục tiêu đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng của cả nước. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; khuyến khích đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh trong phát triển năng lượng; chủ động nâng cấp, xây dựng hệ thống lưới điện, phân phối điện từng bước hiện đại, thông minh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); trở thành nơi cung cấp và dự trữ xăng dầu cho cả nước, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

- Phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng GRDP trong giai đoạn 2021-2025 là 11%/năm trở lên; giai đoạn 2026-2030 là 9,2%/năm; giai đoạn 2031- 2035 là 7 - 8%/năm. Nhu cầu điện các năm theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035, cụ thể: năm 2020 công suất cực đại 1.150 MW, năm 2025 công suất cực đại 1.800 MW, năm 2030 công suất cực đại 2.800MW, năm 2035 công suất cực đại 3.900MW.

- Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% vào năm 2030; 25% vào năm 2045.

- Xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Tổn thất điện năng đến năm 2035 chỉ còn 4,8%.

- Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.

- Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn so với giai đoạn 2015 - 2018 như sau: Sản xuất thép 5 - 12%; sản xuất hóa chất 10%; sản xuất nhựa 20 - 23%; sản xuất xi măng 10%; dệt may 6,8%; rượu bia nước giải khát 4,6 - 8,44%; sản xuất giấy 9,9-18,48%.

- Giảm lượng tiêu thụ xăng dầu trong giao thông vận tải so với dự báo nhu cầu 5%.

- Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong phát triển ngành năng lượng.

- Nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần xác định phát triển năng lượng quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

- Rà soát, hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn hành lang lưới điện cao áp và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhằm nâng cao ý thức chấp hành và thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật về năng lượng. Thực hiện tốt vai trò định hướng, xây dựng chính sách gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện.

- Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; mở rộng sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện phát triển ngành năng lượng.

2. Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững.

- Tham gia đóng góp hoàn thiện các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với đặc thù của tỉnh. Ưu tiên sử dụng năng lượng điện mặt trời và điện rác cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường.

[...]