Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Kiên Giang ban hành

Số hiệu 125/KH-UBND
Ngày ban hành 28/06/2021
Ngày có hiệu lực 28/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Đức Chín
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 125/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 28 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ, TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 55-NQ/TW NGÀY 11 THÁNG 02 NĂM 2020 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA CỦA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 04-02-2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-02-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân; đảm bảo an ninh năng lượng nói chung và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định nói riêng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xác định các nhiệm vụ cụ thể, khả thi và phát huy tốt vai trò trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và địa phương để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy trong xây dựng và phát triển năng lượng.

2. Yêu cầu

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, tích cực trong tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị; đảm bảo đạt hiệu quả.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên, liên tục giữa các ngành, các cấp, bám sát nội dung và đảm bảo phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy. Đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, gắn trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu để thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao nhất.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm bảo đảm cung cấp nguồn năng lượng ổn định, có chất lượng với giá cả hợp lý, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn, chú trọng phát triển các nguồn điện khí, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đi đôi với thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối điện từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển.

2. Mục tiêu đến năm 2025

- Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong tỉnh, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030; trong đó, tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 đạt 1.150MW; sản lượng điện 6.620GWh.

- Khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là khu vực ven biển và hải đảo gắn với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15% vào năm 2030; 25% vào năm 2045.

- Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Phấn đấu tổn thất điện năng của tỉnh đạt dưới 5%.

- Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.

- Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng và hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch. Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững

- Thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tổ chức triển khai các dự án khai thác, vận chuyển khí thiên nhiên, nhất là dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn theo quy hoạch. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống cảng nhập, kho chứa, phân phối LNG để đảm bảo theo nhu cầu phát triển năng lượng của tỉnh.

- Xây dựng các hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, tránh chồng lấn với các quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng hiện nay và trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa tài nguyên nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trin khai các dự án điện, phát triển năng lượng. Trong đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió để phát điện.

- Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, chất thải rắn nhằm đảm bảo môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn khép kín. Tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân hạn chế sử dụng than trong sinh hoạt, các đơn vị sản xuất kinh doanh chuyển đổi nhiên liệu than trong các khâu sản xuất sang sử dụng nhiên liệu sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường. Áp dụng tốt tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

2. Tập trung nguồn lực đầu tư để nâng cao năng lực ngành điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

[...]