Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 7715/KH-UBND năm 2017 về thực hiện “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước“ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 7715/KH-UBND
Ngày ban hành 04/10/2017
Ngày có hiệu lực 04/10/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Trì
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7715/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 4 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN ĐƠN GIẢN HÓA CHẾ ĐỘ BÁO CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC“ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

Căn cứ Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước“; Văn bản số 7735/VPCP-KSTT ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn hệ thống hóa, rà soát và xây dựng, thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo. UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước“ trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Thực hiện đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng Hệ thống báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc và góp phần vào xây dựng Hệ thống quốc gia được đồng bộ, thống nhất, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Việc đơn giản hóa chế độ báo cáo nhằm loại bỏ các báo cáo, nội dung báo cáo không cần thiết, giảm tải áp lực hành chính trong tuân thủ chế độ báo cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực thực hiện.

2. Yêu cầu:

- Việc đơn giản hóa chế độ báo cáo phải nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ về chế độ báo cáo, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, kỳ và thời hạn gửi báo cáo theo quy định; sử dụng thống nhất nguồn thông tin từ các báo cáo, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền.

- Giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết đảm bảo giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hệ thống hóa, rà soát, đơn giản hóa chế độ báo cáo

a) Yêu cầu

Hệ thống hóa chế độ báo cáo đảm bảo thể hiện một cách trung thực, chính xác, đầy đủ, có tính hệ thống về chế độ báo cáo theo từng ngành, lĩnh vực hoặc nội dung công việc cụ thể được quy định tại các văn bản do địa phương ban hành, gồm: Các báo cáo định kỳ thuộc các lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện bằng văn bản (không bao gồm báo cáo thống kê, báo cáo đột xuất, báo cáo nói) thực hiện giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và báo cáo của các tổ chức, cá nhân gửi cơ quan hành chính nhà nước theo quy định pháp luật hiện hành.

b) Cách thức thực hiện

Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị căn cứ phạm vi chức năng quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực thực hiện lập Danh mục chế độ báo cáo định kỳ do các cơ quan chính quyền địa phương thuộc tỉnh quy định (bao gồm Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).

c) Kết quả thực hiện

- Danh mục Báo cáo định kỳ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước (theo Biểu mẫu 01);

- Danh mục Báo cáo định kỳ cá nhân, tổ chức gửi cơ quan nhà nước (theo Biểu mẫu 02);

d) Thời gian thực hiện

- Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị gửi kết quả thực hiện về Sở Tư pháp tổng hợp trước ngày 10/10/2017.

- Sở Tư pháp xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh dự thảo Quyết định phê duyệt Danh mục chế độ báo cáo định kỳ thực hiện trên địa bàn tỉnh trước ngày 15/10/2017 (theo Biểu mẫu số 02 ban hành kèm theo Văn bản số 7735/VPCP-KSTT ngày 25/7/2017 của Văn phòng Chính phủ).

2. Rà soát và xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo

a) Yêu cầu

Căn cứ vào Danh mục báo cáo, chế độ báo cáo đã được hệ thống hóa nêu tại mục 1, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo được xây dựng theo các tiêu chí, gồm: Sự cần thiết; tính pháp lý của báo cáo được thực hiện; tần suất báo cáo, kỳ báo cáo, thời điểm lấy số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo; trách nhiệm báo cáo, mức độ và sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện báo cáo; hình thức, nội dung báo cáo (rà soát, đánh giá cụ thể về tính rõ ràng, minh bạch, phù hợp,... của hình thức, nội dung báo cáo); mẫu, biểu báo cáo (rà soát, đánh giá, kiến nghị cụ thể về mẫu đề cương báo cáo, biểu mẫu báo cáo,...); khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình báo cáo; đồng thời, phải xác định cụ thể các báo cáo loại bỏ, hoặc đề nghị loại bỏ, lý do loại bỏ, đề nghị loại bỏ; các báo cáo tiếp tục duy trì thực hiện, hoặc đề nghị duy trì thực hiện, các báo cáo bổ sung thực hiện hoặc đề nghị bổ sung thực hiện, lý do duy trì, đề nghị duy trì, bổ sung.

b) Cách thức thực hiện

Các sở, ban, ngành UBND huyện, thành, thị thực hiện rà soát, đánh giá chế độ báo cáo và xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo thuộc thẩm quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nội dung Phương án đơn giản hóa gồm: (Danh mục các báo cáo cần loại bỏ; Danh mục các báo cáo cần tiếp tục duy trì, nhưng phải sửa đổi, bổ sung, thay thế kèm theo Phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế từng loại báo cáo; Danh mục các báo cáo cần tiếp tục duy trì, giữ nguyên).

c) Kết quả thực hiện

[...]