Kế hoạch 133/KH-UBND năm 2017 thực hiện “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước” trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 133/KH-UBND
Ngày ban hành 29/08/2017
Ngày có hiệu lực 29/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thành Thống
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 133/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 29 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN ĐƠN GIẢN HÓA CHẾ ĐỘ BÁO CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” (sau đây viết tắt là Đề án) và Công văn số 7735/VPCP-KSTT ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn hệ thống hóa, rà soát và xây dựng, thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” trên địa bàn thành phố Cần Thơ, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Góp phần đảm bảo việc thực hiện Đề án được thống nhất, đồng bộ, tiến tới đơn giản hóa chế độ báo cáo trên phạm vi toàn thành phố;

b) Giảm gánh nặng hành chính trong tuân thủ chế độ báo cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước nhưng vẫn đảm bảo thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.

2. Yêu cầu:

a) Việc thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ thời gian;

b) Kết quả phải cụ thể, rõ ràng để từ đó thực hiện cắt giảm tối thiểu 20% số lượng báo cáo định kỳ chưa phù hợp.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng, phạm vi thực hiện:

a) Đối tượng thực hiện:

Các cơ quan nhà nước thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

b) Phạm vi thực hiện:

Các báo cáo, chế độ báo cáo theo ngành, lĩnh vực đang thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện (bao gồm báo cáo giấy và báo cáo điện tử) được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc báo cáo của các tổ chức, cá nhân gửi tới cơ quan nhà nước theo các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp quy định.

2. Nội dung thực hiện:

a) Hệ thống hóa chế độ báo cáo:

- Cách thức thực hiện: Căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp quy định, các cơ quan, tổ chức thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện hệ thống, lập Danh mục báo cáo định kỳ thuộc lĩnh vực mình phụ trách (theo Phụ lục I, Phụ lục II) gửi về Sở Tư pháp tổng hợp;

- Thời gian thực hiện: Từ nay đến ngày 25 tháng 9 năm 2017;

- Kết quả thực hiện: Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Danh mục báo cáo định kỳ do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố quy định.

b) Rà soát và xây dựng Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo:

- Cách thức thực hiện:

Trên cơ sở Danh mục báo cáo đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, căn cứ vào sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp, các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đánh giá, rà soát các quy định về báo cáo. Từ đó, xây dựng Phương án nhằm đơn giản hóa chế độ báo cáo theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% số lượng báo cáo định kỳ chưa phù hợp với yêu cầu quản lý, tránh trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện báo cáo, cụ thể:

+ Về sự cần thiết của báo cáo: Báo cáo cần được rà soát, đánh giá sự cần thiết phải duy trì hay không trên cơ sở xác định rõ nội dung thông tin của báo cáo; mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành mà thông tin báo cáo hướng tới hoặc có thể lấy được thông tin từ nguồn khác;

+ Về tính hợp lý của chế độ báo cáo:

Tên báo cáo, nội dung các yêu cầu cung cấp thông tin trong báo cáo phù hợp với mục tiêu và phạm vi quản lý; hình thức báo cáo phù hợp với nội dung báo cáo (Ví dụ: Báo cáo số liệu cần được thể hiện dưới dạng bảng, biểu số liệu để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, logic; không chỉ mô tả bằng lời).

Nội dung thông tin trong báo cáo không trùng lặp với nội dung báo cáo khác.

[...]