Kế hoạch 76/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 76/KH-UBND
Ngày ban hành 18/03/2024
Ngày có hiệu lực 18/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nghiêm Xuân Cường
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 18 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030; Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 01/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1006/TTr-SNN&PTNT-CCTS ngày 29/02/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 01/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từ Tỉnh đến cơ sở vì mục đích phát triển bền vững ngành thủy sản; phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đáp ứng yêu cầu hội nhập, tuân thủ pháp luật quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.

2. Yêu cầu

- Xác định cụ thể các nội dung nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương, cơ sở có liên quan nhằm triển khai thực hiện có kết quả, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.

- Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch hiệu quả.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu chung:

- Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với khai thác bền vững; phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU; nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển bền vững, giữ gìn đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương; tích hợp đa giá trị, gắn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với phát triển kinh tế xã hội, du lịch sinh thái và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hằng năm, tổ chức điều tra, đánh giá nghề cá phương phẩm[1]; tổ chức hoạt động thả giống ra các vùng nước tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản (Hàng năm tổ chức thả ít nhất 3,0 triệu con giống thủy sản các loại ra các vùng nước tự nhiên nhằm, trong đó, nguồn xã hội hóa đạt từ 70% trở lên); tổ chức 10 đến 15 lớp tập huấn, 8 đến 10 phóng sự tuyên truyền về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- 100% hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản.

- Trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng được phục hồi, tăng thêm ít nhất 5% so với kết quả điều tra, đánh giá năm 2022[2].

- Thành lập, vận hành hiệu quả Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; Vườn quốc gia Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long (Hợp phần bảo tồn biển); Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui, Tiên Yên.

- Hình thành và tổ chức thực hiện đồng quản lý 100% khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy hoạch, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng quy chế, tổ chức quản lý vùng, liên vùng bảo vệ, phát triển nguồn lợi các loài hải đặc sản: Sá Sùng, Ngán và Rươi[3].

- Tổ chức quản lý hiệu quả 02 vùng cấm khai thác thủy sản quanh năm tại vùng lõi Vịnh Hạ Long và Vườn Quốc gia Bái Tử Long; vùng cấm khai thác có thời hạn (từ ngày 01/4 đến 30/6 hàng năm) tại khu vực đảo Cô Tô.

- Thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quỹ cộng đồng theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

- Xây dựng, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- 100% tàu cá của Tỉnh được thống kê, đánh dấu, đăng ký, kẻ vẽ/gắn biển số đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác, chứng nhận/cam kết an toàn thực phẩm, lắp đặt và đồng bộ thiết bị giám sát hành trình tàu cá, cập nhật dữ liệu vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia VNFishbase[4].

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Tỉnh về quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phù hợp với các quy định hiện hành của Luật thủy sản năm 2017 và thực tiễn của địa phương.

[...]