Kế hoạch 116/KH-UBND năm 2024 về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 116/KH-UBND
Ngày ban hành 01/04/2024
Ngày có hiệu lực 01/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 01 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình); trên cơ sở tham mưu đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 517/SNN-TS ngày 28/02/2024; ý kiến thống nhất của các Thành viên UBND tỉnh (bằng phiếu Giấy và điện tử), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, có chất lượng các nhiệm vụ của UBND tỉnh được giao tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nội dung Chương trình thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được đề ra trong Kế hoạch nhằm đảm bảo các mục tiêu, định hướng của Chương trình. Phát huy tính chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương nhằm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch đã đề ra trên địa bàn tỉnh.

- Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch này, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ cụ thể, chi tiết; đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong Kế hoạch của UBND tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025, ngăn chặn sự suy giảm và tiến tới phục hồi, tái tạo các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm với sự tham gia của cộng đồng để góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững. Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được xây dựng thống nhất, cập nhật thường xuyên, liên tục.

- Hàng năm, thả trung bình 8-10 tấn giống thủy sản các loại vào vùng nước tự nhiên.

- 100% các huyện, thị xã ven biển có mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng ngư dân làm nghề khai thác thủy sản và thanh thiếu niên, học sinh các cấp tại các địa phương ven biển; đồng thời huy động các tổ chức xã hội và nghề nghiệp tham gia các hoạt động để đưa công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tổ chức cho ngư dân ký các cam kết tuân thủ quy định pháp luật về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không nuôi, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

- Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành và thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật có liên quan.

2. Điều tra nguồn lợi

- Phối hợp cơ quan Trung ương điều tra nguồn lợi hải sản tại các vùng biển xa bờ, trong đó ưu tiên điều tra nguồn lợi một số nhóm đối tượng khai thác chủ lực, có giá trị kinh tế, có sản lượng lớn.

- Phối hợp cơ quan Trung ương điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản tại các vùng biển ven bờ, khả năng cho phép khai thác bền vững; trong đó ưu tiên điều tra khu vực tập trung các bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản.

- Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng nội địa, trong đó ưu tiên điều tra tại các lưu vực sông, hồ tự nhiên, hồ chứa lớn có các giống loài thủy sản đặc hữu, có tính đa dạng sinh học cao.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nghề cá và nguồn lợi thủy sản tỉnh Hà Tĩnh (cả nguồn lợi hải sản và nguồn lợi thủy sản nội địa) phục vụ công tác quản lý nghề cá và dự báo ngư trường.

3. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

- Tái cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, giảm các nghề gây nguy hại đến ngư trường, nguồn lợi; gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí. Phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản của các vùng biển.

- Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, thả bổ sung vào các thủy vực tự nhiên: sông, hồ, hồ chứa, biển những loài thủy sản bản địa, quý hiếm, loài có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái trong các thủy vực.

- Thực hiện bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản. Phát triển bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới.

[...]