Kế hoạch 76/KH-UBND năm 2023 tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 76/KH-UBND
Ngày ban hành 28/03/2023
Ngày có hiệu lực 28/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đầu Thanh Tùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 28 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC  VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2023-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 14/10/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo; đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục;

- Người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phải bám sát Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật đối với hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh;

- Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo phải được thiết kế đồng bộ, bao quát, có hệ thống trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số quốc gia; được triển khai từng bước có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao trong từng giai đoạn;

- Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cần có sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp quản lý, sự chủ động, tích cực của các cơ sở giáo dục và sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong ngành giáo dục và đào tạo, nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý và quản trị nhà trường một cách hiệu quả, tiến tới xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2025

a) Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số tại các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục (CSGD)

Trang bị phương tiện ứng dụng CNTT trong dạy học như máy vi tính, Tivi khổ rộng, màn hình tương tác thông minh, camera … có kết nối internet phục vụ đổi mới phương pháp dạy học tại các trường học, phục vụ dạy học, dạy học trực tuyến; hướng tới xây dựng các phòng học, trường học thông minh;

Các CSGD có đủ phòng máy tính, kết nối internet phục vụ dạy môn tin học cho học sinh. Hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ (LAN, WIFI), vận hành ổn định liên tục 24/7, kết nối Internet tốc độ cao. Các hệ thống, dịch vụ CNTT cơ bản của Chính phủ điện tử (cổng thông tin điện tử, thư điện tử, văn phòng điện tử) được giám sát về an toàn thông tin;

100% các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên môn của ngành được bảo đảm về kỹ thuật để có thể thực hiện trên môi trường mạng; 80% các cuộc hội nghị quan trọng được truyền hình trực tiếp trên mạng để các CSGD có thể theo dõi; toàn bộ 100% các văn bản quy phạm pháp luật được công khai trên mạng;

Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung thuộc trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh (hướng theo mô hình điện toán đám mây) đảm bảo hoạt động cho hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung toàn ngành.

b) Đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học

- Về tiếp cận giáo dục trực tuyến: 50% học sinh và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện (về phương diện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.

- Về môi trường giáo dục trực tuyến:

+ Hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% học sinh sử dụng;

+ Hình thành kho học liệu trực tuyến của tỉnh liên kết với kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông.

- Về quy mô hoạt động giáo dục trực tuyến: Tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học.

[...]