Kế hoạch 258/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Số hiệu 258/KH-UBND
Ngày ban hành 15/12/2022
Ngày có hiệu lực 15/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Ngô Hạnh Phúc
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 258/KH-UBND

Yên Bái, ngày 15 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2021-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

Thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021- 2030” trên địa bàn tỉnh Yên Bái, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021- 2030” trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- Hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, thúc đẩy phát triển giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đẩy mạnh kinh tế thương mại của tỉnh.

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án kết hợp lồng ghép với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; gắn với vai trò, trách nhiệm thực hiện của từng sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan, đảm bảo tính khả thi, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nội dung của Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương đánh giá được thực trạng và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của các đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ triển khai đồng bộ, thiết thực và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kết nối, đồng bộ với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và xuất khẩu.

- Nâng cao năng lực quản lý điều hành và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần tái cơ cấu ngành công thương, đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, xây dựng chính chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Năm 2022

- Đánh giá được thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

- Triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến thương mại kết nối với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

b) Đến năm 2025

- Xây dựng, hình thành cơ bản Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 1.950 doanh nghiệp của tỉnh được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 30% số này có phát sinh hoạt động giao dịch và chia sẻ thông tin.

- Cơ sở dữ liệu xúc tiến thương mại và 01 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh được hình thành, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu của 03 thị trường xuất khẩu trọng điểm.

- 30% các dịch vụ, kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 1.200 lượt doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã.

- 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và 1.500 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ, cập nhật các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và khoảng trên 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

[...]