Kế hoạch 7501/KH-UBND năm 2021 về Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 7501/KH-UBND
Ngày ban hành 23/10/2021
Ngày có hiệu lực 23/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7501/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 23 tháng 10m 2021

 

KẾ HOẠCH

“PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM”

Thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Chương trình Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 kèm theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chương trình kết hợp với các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, gắn với trách nhiệm của từng Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan đảm bảo việc tổ chức chỉ đạo điều hành và triển khai, thực hiện có hiệu quả, đồng bộ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển thương mại hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong tỉnh ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 - 2030

- Tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) khoảng 16%/năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 236.000 tỷ đồng đến năm 2030.

- Phấn đấu 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại (HTTM) phát triển đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn; HTTM khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; HTTM thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

b) Giai đoạn 2031 - 2045

- Tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) khoảng 18%/năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 2.833.000 tỷ đồng đến năm 2045.

- Phấn đấu 90% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 85%.

- Hệ thống kết cấu HTTM được hiện đại hóa trên phạm vi toàn tỉnh, được dán nhãn công trình thương mại xanh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống cháy nổ,...; 100% các hệ thống HTTM khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa, HTTM khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo phát triển đầy đủ theo quy hoạch, các loại hình hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại chiếm số lượng lớn, dần đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong phân phối bán lẻ hàng hóa trên thị trường.

III. ĐỊNH HƯỚNG CHỦ YẾU

1. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong tỉnh; tăng dần tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực thương mại vào khu vực dịch vụ và GRDP của cả tỉnh.

2. Phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong tỉnh; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa trên thị trường.

3. Thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái khu vực và toàn quốc.

4. Phát triển TMĐT trở thành hình thức thương mại chủ đạo; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch TMĐT.

5. Xây dựng và phát triển HTTM trong tỉnh đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và hỗ trợ xuất khẩu; tập trung ưu tiên các loại hình HTTM có tính lan tỏa, có tác động đáng kể hỗ trợ sản xuất lưu thông. Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển HTTM khu vực nông thôn, quan tâm phát triển kết cấu HTTM thiết yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao.

6. Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo chiều hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tiếp tục hỗ trợ các tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối; tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ.

7. Hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm nội địa bền vững; đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái.

[...]