Kế hoạch 74/KH-UBND triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Thành phố Hà Nội năm 2017, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 74/KH-UBND
Ngày ban hành 30/03/2017
Ngày có hiệu lực 30/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 74/KH-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2017/NQ-CP NGÀY 06/02/2017 VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Triển khai các Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, 12/3/2015 và 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành, thực hiện Kế hoạch hành động số 87/KH-UBND ngày 29/4/2014, 117/KH-UBND ngày 28/4/2015, 147/KH-UBND ngày 30/7/2017, đồng thời ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 30/5/2016 về nâng cao chỉ số PCI với mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp cụ thể. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP, các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch của Thành phố, cụ thể hóa mục tiêu theo lộ trình cải cách các quy định về thủ tục hành chính và trách nhiệm của cơ quan thực thi các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Nội dung này đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp thiết trong công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực. Môi trường sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Thành phố từng bước được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục tăng hạng trong bốn năm gần đây, năm 2013 xếp thứ 33, năm 2014 xếp thứ 26, năm 2015 xếp thứ 24, năm 2016 xếp thứ 14 và Hà Nội đạt 60,74 điểm, lần đầu tiên bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Theo kết quả điều tra PCI 2016 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành phố Hà Nội đã có 4 chỉ số thành phần tăng hạng so với năm 2015: Chỉ số “Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” xếp thứ 53, tăng 6 bậc; Chỉ số “Chi phí không chính thức” xếp thứ 53, tăng 3 bậc; Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” xếp thứ 2, tăng 3 bậc; Chỉ số “Thiết chế pháp lý” xếp thứ 59 tăng 1 bậc. Thành phố Hà Nội có hai chỉ số thành phần xếp thứ 2 cả nước là Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” và Chỉ số “Đào tạo lao động”.

Hà Nội đạt kết quả tích cực trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, xúc tiến thương mại, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Giảm thời gian giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp thực hiện đăng ký qua mạng được rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 2 ngày làm việc đối với quá trình giao dịch trên mạng. Đến nay tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đã đạt 64% (vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP); Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 96,2%, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 96,5% (vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP). Cục Hải quan thành phố Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong ngành Hải quan triển khai chính thức thành công và đảm bảo kỹ thuật cho hệ thống thông quan điện tử tự động. Đến nay, giảm thời gian thông quan cho các lô hàng luồng xanh xuống chỉ còn 3 giây. 79,6% tổng số đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử. Trong đó các doanh nghiệp có trên 10 lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử chiếm 97,47%. Đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30-50% theo quy định (chiếm tỷ lệ 67% tổng số thủ tục hành chính được rà soát). Giảm thời gian thực tiếp cận điện năng, thời gian trung bình giải quyết cấp điện trung áp cho khách hàng đối với phần việc thuộc trách nhiệm của EVN HANOI là 7,03 ngày (giảm 2,97 ngày so với quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN). Đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Dư nợ cho vay theo Chương trình đạt 233.732 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với cuối năm 2015. Nhân rộng mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao trong giáo dục và đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Mặc dù đã có bước cải thiện đáng kể, môi trường kinh doanh chuyển biến rõ nét, Hà Nội vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt sau rất nhiều năm thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá, trung bình, kể ngày công bố Chỉ số PCI. Tuy nhiên, nhiều chỉ số thành phần trong Bộ Chỉ số PCI vẫn xếp hạng thấp (“Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” xếp thứ 63/63, “Chi phí gia nhập thị trường” xếp thứ 63/63, “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” xếp thứ 61/63, “Thiết chế pháp lý” xếp thứ 59/63, “Tính năng động và tiên phong của chính quyền” xếp thứ 62/63). Trong đó, một số chỉ số xếp hạng thấp liên tục trong nhiều năm, chưa có sự cải thiện. Để thực hiện mục tiêu “tiên phong cả nước về môi trường kinh doanh” như cam kết của Hà Nội trước sự chứng kiến của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội cần tiếp tục có sự đột phá trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI.

Căn cứ Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển của đất nước” ngày 29/4/2016; Biên bản Cam kết của Hà Nội với VCCI tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” ngày 29/4/2016 và Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 04/6/2016, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2017, định hướng đến năm 2020, tập trung vào các nội dung sau:

I. Mục tiêu và các chỉ tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố

1. Mục tiêu

- Tiên phong trong cả nước về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và Cam kết của Hà Nội tại Hội nghị “Doanh nghiệp - Động lực phát triển của đất nước” ngày 29/4/2016, Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” ngày 4/6/2016.

- Năm 2017, phấn đấu góp phần cùng cả nước đạt chỉ số môi trường kinh doanh trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2020 đạt mức trung bình của ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới).

- Xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các sáng kiến cải cách nhằm rút ngn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung thủ tục hành chính. Tạo sự đột phá về thu hút đầu tư, cả trong nước và đầu tư nước ngoài.

- Thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính 2017”, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Phấn đấu đến hết năm 2017, góp phần tích cực cùng cả nước đạt chỉ tiêu về môi trường kinh doanh mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4.

- Năm 2017 tiếp tục cải thiện điểm số và xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Thành phố. Duy trì chất lượng điều hành thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Phấn đấu tiếp tục cải thiện xếp hạng Chỉ số PCI so với năm 2016. Đến năm 2020, Hà Nội thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI.

- Các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính trên website/trang thông tin điện tử của đơn vị...

- Giải quyết đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 02 ngày làm việc đối với quá trình giao dịch trên mạng và trả kết quả sau 2 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ bằng bản giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 75%.

- Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. Năm 2017, thời gian nộp thuế không quá 117 giờ/năm và thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49 giờ/năm. Đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra theo quy định và giải quyết đúng hạn.

- Thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Hải quan và cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Năm 2017, thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

- Thời gian thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng là 21 ngày đối với đường điện trên không và 26 ngày đối với đường điện trung áp cáp ngầm.

- Rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng theo phương pháp xác định của Ngân hàng Thế giới, tối đa không quá 120 ngày trong năm 2017 (bao gồm cả thời gian lấy ý kiến của các cơ quan liên quan như chấp thuận đấu nối điện, nước, môi trường, phòng cháy, chữa cháy...).

- Tiếp tục duy trì thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn dưới 14 ngày năm 2017.

- Giảm thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng xuống còn tối đa 300 ngày trong năm 2017.

- Thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 30 tháng trong năm 2017.

b) Đến năm 2020, phấn đấu tích cực cùng cả nước đạt các điểm số trung bình theo nhóm ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới; Chỉ số Đổi mới sáng tạo đạt trung bình ASEAN 5 theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.

c) Về thực hiện Chính phủ điện tử:

- Phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong ứng dụng và triển khai chính phủ điện tử. Hết năm 2017, cung cấp 40-50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

II. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và trách nhiệm của các đơn vị

[...]