Kế hoạch 739/KH-UBND năm 2022 về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 739/KH-UBND
Ngày ban hành 28/01/2022
Ngày có hiệu lực 28/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đặng Trí Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 739/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 28 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS TRƯỚC NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG, GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

I. Căn cứ pháp lý xây dựng Kế hoạch

- Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 (số 64/2006/QH11);

- Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Quyết định số 7130/QĐ-BYT ngày 29/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch Hành động Quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030;

- Thông tư liên tịch số 38/2014/TTLT-BYT-BTC, ngày 14/11/2014 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính về ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

- Công văn số 3784/BYT-AIDS ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 và kế hoạch phòng, chống AIDS năm 2021; Công văn số 4849/BYT-AIDS ngày 11/9/2020 về việc xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

- Công văn số 7743/BYT-AIDS ngày 17/9/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính chấm dứt dịch AIDS và kinh phí mua thuốc Methadone từ năm 2022.

II. Quan điểm chỉ đạo

1. Nhà nước bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó tập trung đầu tư cho các hoạt động thiết yếu, mang tính bền vững, lâu dài, có hiệu quả cao bao gồm dự phòng là chủ đạo và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

2. Tăng tính chủ động của địa phương trong việc bố trí ngân sách thích hợp nhằm đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

3. Huy động các nguồn kinh phí (bao gồm viện trợ quốc tế và hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân) cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2022-2030.

4. Đa dạng hóa các nguồn kinh phí, tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chuyển dần nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ Bảo hiểm y tế. Tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy và thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng chi phí - hiệu quả.

5. Phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của tất cả các cấp ủy Đảng, các Sở, ngành, chính quyền các cấp và là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cả cộng đồng.

III. Sự cần thiết của việc đảm bảo kinh phí để thực hiện kế hoạch

1. Hiện nay, tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng vẫn còn diễn biến phức tạp. Dịch HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng so với nghiện chích ma túy.

2. Trong thời gian qua, ngân sách địa phương và nguồn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số do Trung ương phân bổ hàng năm đã bố trí kinh phí về cơ bản đáp ứng được các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội, y tế. Tuy nhiên, phòng chống HIV/AIDS là một chiến dịch lâu dài, vì vậy, các hoạt động cần phải được tiếp tục đầu tư, mở rộng và duy trì.

3. Giai đoạn sắp tới, nguồn kinh phí Trung ương bị cắt giảm, chỉ đầu tư một số lĩnh vực (thuốc ARV cấp miễn phí và một số vật dụng can thiệp giảm tác hại); quản lý nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm dân di biến động ngày càng trở nên cần thiết, nhu cầu truyền thông và chi phí tư vấn, xét nghiệm giám sát tăng, các giải pháp dự phòng sớm cần mở rộng; nhu cầu mở rộng độ bao phủ các can thiệp hiệu quả, tăng cường áp dụng các mô hình can thiệp mới; số lượng bệnh nhân điều trị HIV/AIDS, bệnh nhân điều trị thay thế nghiện thuốc phiện ngày càng tăng...

IV. Mục tiêu của Kế hoạch

1. Mục tiêu chung

Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030 tại tỉnh Lâm Đồng.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu 1. Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% trước năm 2030.

- Mục tiêu 2. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% trước năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

- Mục tiêu 3. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%, tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%, loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con trước năm 2030.

- Mục tiêu 4. Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

b) Chỉ tiêu cụ thể: Theo phụ lục 1 đính kèm.

[...]