Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2022 triển khai và đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 122/KH-UBND
Ngày ban hành 01/06/2022
Ngày có hiệu lực 01/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Sơn Hùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 01 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI VÀ ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS VÀO NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030;

Căn cứ Công văn số 3784/BYT-AIDS ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tại các tỉnh, thành phố;

Căn cứ Công văn số 4849/BYT-AIDS ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030;

Căn cứ Công văn số 1940-CV/TU ngày 17 tháng 8 năm 2021 của Thường trực Tỉnh ủy về việc sao gửi Hướng dẫn số 20-HD/BTGTW ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 05-KH/BCSĐ ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Y tế về việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Ban Bí thư “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030”;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai và đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với các nội dung như sau:

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. Tình hình đáp ứng với dịch HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai

1. Tình hình dịch HIV/AIDS (Tính đến ngày 31/12/2021)

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với hơn 30 khu công nghiệp, dân số ước tính trên 3,2 triệu người, trong đó hơn 50% là dân nhập cư. Sự phát triển kinh tế xã hội song hành với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh làm đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, mặt trái của nó là kéo theo sự gia tăng các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm và ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS.

a) Mức độ lây nhiễm HIV/AIDS

Số người nhiễm HIV có hộ khẩu tại tỉnh Đồng Nai đang quản lý là 5.856 trường hợp, trong đó có 1.200 người nhiễm đang điều trị tại TP. Hồ Chí Minh; số người nhiễm HIV tử vong là 3.001 người. Riêng năm 2021 toàn tỉnh đã phát hiện 732 trường hợp nhiễm HIV, trong đó số người HIV ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc chiếm 65%.

b) Phân tích tình hình lây nhiễm HIV theo huyện/thành phố

100% huyện/thành phố có người nhiễm HIV/AIDS, 170/170 xã/phường/thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS, địa phương có số người nhiễm HIV sinh sống và quản lý tại địa phương 4.646 người, cao nhất là TP. Biên Hòa (1.825 người, chiếm 39,2%), tiếp đến là huyện Long Thành (448 người, chiếm 9,6%), huyện Trảng Bom (412 người, chiếm 8,8%), TP. Long Khánh (353 người, chiếm 7,6%), huyện Nhơn Trạch (315 người, chiếm 6,8%), huyện Định Quán (296 người, chiếm 6,4%), huyện Xuân Lộc (280 người, chiếm 6%), huyện Vĩnh Cửu (256 người, chiếm 5,5%), huyện Tân Phú (175 người, chiếm 3,8%), huyện Thống Nhất (169 người, chiếm 3,6%) và thấp nhất là huyện Cẩm Mỹ (117 người, chiếm 2,5%). Thành phố Biên Hòa có số dân nhập cư cao, tiếp giáp TP. HCM, Bình Dương và tập trung nhiều khu công nghiệp, dịch vụ, khu vui chơi giải trí nên tình hình phức tạp hơn.

c) Xu hướng và nguy cơ lây nhiễm HIV

Tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai vẫn ở giai đoạn tập trung, chủ yếu là trong các nhóm nguy cơ cao nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 33%, nhóm nghiện chích ma tuý (NCMT) chiếm 4%. Riêng nhóm vợ chồng bạn tình của người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao chiếm 4,4% trong tổng số người nhiễm HIV mới năm 2021 của tỉnh.

Giai đon 2016-2021, đườngy truyền HIV chuyển dịch từ đường máu sang đường quan hệ tình dục không an toàn, riêng năm 2021 đường lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn chiếm 70% trong tổng ca nhiễm HIV mới và trong số đó có đến 50% là nam quan hệ tình dục đồng giới, trong khi lây nhiễm qua đường máu chỉ chiếm 4,2% tổng ca nhiễm HIV mới do giảm số người sử dụng ma túy qua đường tiêm chích và hiệu quả của các chương trình can thiệp.

Tỷ lệ nhiễm theo nhóm tuổi cao nhất là nhóm tuổi từ 20 - 29 (40,3%), kế đến là nhóm tuổi 30-39 (27%).

d) Các yếu tố nguy cơ/ảnh hưởng dịch HIV tại địa phương

Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo sự gia tăng các tệ nạn xã hội, gia tăng các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV/AIDS.

Theo số liệu báo cáo năm 2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 4.496 người, 65% trong số đó ở độ tuổi dưới 30 tuổi, sử dụng ma túy tổng hợp, cư trú không cố định. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận và cung cấp các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường máu khác cho nhóm này.

Ước tính số lượng người mại dâm trên địa bàn năm 2021 là 1.335 trường hợp. Ngoài mại dâm nữ, còn có mại dâm nam, nam quan hệ tình dục đồng giới; ngoài hình thức mua bán dâm đứng đường, còn có mua bán dâm qua các trang mạng xã hội,...

Theo kết quả điều tra qua ứng dụng mạng xã hội, số nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) ở Đồng Nai khoảng 7.000 người. Ngoài quan hệ tình dục đồng giới, họ còn quan hệ tình dục không an toàn với phụ nữ, tiêm chích ma túy, sử dụng chất kích dục, quan hệ tình dục theo nhóm,...

Chương trình can thiệp giảm tác hại của tỉnh chủ yếu phụ thuộc nhiều vào kinh phí các dự án tài trợ, kinh phí Trung ương, nhưng với tình hình nguồn kinh phí đang cắt giảm, ảnh hưởng đến sự bền vững của các chương trình này.

[...]