Kế hoạch 4110/KH-UBND năm 2022 thực hiện chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 4110/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2022
Ngày có hiệu lực 24/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Văn Tân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4110/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 24 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS VÀO NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030; Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Kế hoạch số 113- KH/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Phần I

BỐI CẢNH BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC

HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Tại tỉnh Quảng Nam, tính đến 31/12/2021, toàn tỉnh luỹ tích nhiễm HIV là 1.166 người, số người hiện đang sống và được quản lý là 486 người; trong đó, số bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV là 425 người. Tình hình người nhiễm HIV mới trên toàn tỉnh trong thời gian gần đây có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước; số người tử vong do HIV/AIDS cũng giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng của tỉnh dưới 0,1% dân số (Trung ương là 0,3%).

- Về giới tính: nam giới vẫn chiếm đa số (chiếm 65%), nữ giới chiếm 35% các trường hợp nhiễm HIV. Tuy nhiên, xu hướng nữ giới nhiễm HIV ngày càng tăng dần trong thời gian gần đây.

- Về độ tuổi: các trường hợp nhiễm HIV chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 20-39 tuổi, chiếm tỷ lệ trên 82%; số mắc mới HIV có xu hướng trẻ hoá.

- Về đường lây: chủ yếu vẫn là lây truyền qua đường máu do dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma tuý chiếm 59%; do quan hệ tình dục chiếm 35% (trong đó nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới MSM là 06%); lây truyền từ mẹ sang con 01% và lây qua đường khác 05%.

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm khống chế sự gia tăng của dịch HIV/AIDS, trong đó có Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Các Sở, Ban, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược và đạt được nhiều kết quả. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng rãi, như cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV tại các cơ sở y tế. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, triển khai thanh toán BHYT về điều trị bằng thuốc ARV và các dịch vụ y tế liên quan đến điều trị HIV/AIDS; điều trị ngay cho những người được phát hiện nhiễm HIV; mở rộng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; bảo đảm chất lượng điều trị HIV/AIDS. Nhờ đó, tình hình dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hàng năm liên tiếp giảm, hoàn thành tốt mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,1% trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp. HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng, đặc biệt là nhóm MSM. Bên cạnh đó, các nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm mạnh, sự thay đổi tổ chức phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS là những thách thức lớn đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để tiến đến mục tiêu có thể chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng, đưa căn bệnh HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng; do vậy, tỉnh Quảng Nam cần có Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS mới phù hợp và được tổ chức triển khai một cách toàn diện, hiệu quả.

Phần II

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. MỤC ĐÍCH

1. Nâng cao trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

2. Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần tăng tính bền vững, hạn chế giảm dần và tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trên địa bàn tỉnh trước năm 2030.

II. YÊU CẦU

Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 và Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 phải đảm bảo nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương.

III. QUAN ĐIỂM

1. HIV/AIDS là dịch bệnh nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và phát triển kinh tế - xã hội. Phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, các Sở, Ban ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp và là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi cộng đồng.

2. Phòng, chống HIV/AIDS phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

3. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế và các biện pháp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc phối hợp dự phòng với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS toàn diện.

4. Nhà nước bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực khác cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí nguồn lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, trong đó đầu tư cho các hoạt động thiết yếu có hiệu quả cao như dự phòng và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

5. Đa dạng hoá các nguồn kinh phí, đồng thời tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

6. Thực hiện đầy đủ các chế độ hỗ trợ cho người nhiễm HIV thuộc đối tượng chính sách xã hội, hỗ trợ chăm sóc trẻ em nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; bố trí kinh phí địa phương chi phụ cấp nghề cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên phòng, chống HIV/AIDS tuyến xã, phường, thị trấn.

7. Khuyến khích huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiếp cận sử dụng người lao động là người nhiễm HIV, thành lập các cơ sở từ thiện về chăm sóc người bệnh AIDS, hỗ trợ xã hội, pháp lý cho người nhiễm HIV.

8. Huy động nguồn lực cho chương trình phòng chống HIV/AIDS từ các nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà tài trợ trong, ngoài nước và Nhân dân để đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; trong đó, nguồn đầu tư từ ngân sách tỉnh là chính; thực hiện các biện pháp nhằm tăng dần tỷ trọng chi trả cho người sử dụng dịch vụ thông qua Quỹ Bảo hiểm y tế.

[...]