Kế hoạch 71/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 71/KH-UBND
Ngày ban hành 13/03/2018
Ngày có hiệu lực 13/03/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Ngọc Sơn
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 3 năm 2018

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 04-NQ/TU NGÀY 07/12/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH “VỀ TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN VÀ KHAI THÁC HIỆU QUẢ TIỀM NĂNG, LỢI THẾ RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP ĐẾN NĂM 2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO”

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 04-NQ/TU); làm cơ sở để các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động cho các cấp, các ngành; huy động các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết số 04-NQ/TU đã đề ra.

3. Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành cụ thể cho các cấp, các ngành để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả và là cơ sở để đánh giá kết quả của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TU.

4. Các cấp, các ngành, địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo hiệu quả.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, bảo vệ, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp

1.1. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm:

- Tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của UBND tỉnh đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ và nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Đưa công tác tuyên truyền nội dung Nghị quyết, Kế hoạch hành động vào sinh hoạt định kỳ, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy, tổ chức, đoàn thể. Lồng ghép công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vào các chương trình, dự án, các hội nghị để tăng thời lượng, đối tượng được tuyên truyền.

1.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các Sở, ngành địa phương xây dựng nội dung tuyên truyền, các tài liệu, tin bài, phóng sự chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

- Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ rừng kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn. Kiểm tra, rà soát các vụ việc còn tồn đọng về bảo vệ rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật, giao đất giao rừng để tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các khu vực rừng trọng điểm, phát hiện và tham mưu xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

- Chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương cập nhật, rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch ngành (hoặc các đề án, phương án) đáp ứng yêu cầu, như: Quy hoạch 3 loại rừng, Quy hoạch lâm nghiệp, Quy hoạch phát triển trang trại nông lâm kết hợp gắn với cây ăn quả, Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, Quy hoạch chế biến lâm sản... Đôn đốc 05 huyện ven biển hoàn thành việc cắm mốc ranh giới quy hoạch 3 loại rừng ngoài thực địa (Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà).

- Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn với rừng tại một số vùng, địa điểm có thế mạnh (thác Vũ Môn, hồ Ngàn Trươi, hồ Kẻ Gỗ, hồ Rào Trổ, sinh thái Suối Tiên, du lịch Cầu Treo...). Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành rà soát, hiệu chỉnh hồ sơ giao đất, giao rừng. Hàng năm, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện việc cập nhật hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, báo cáo theo quy định.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng các quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh (Biên phòng, Công an, Quân đội, Hải quan...) và các tỉnh nước bạn Lào. Hàng năm, tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; không chuyển rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ quốc phòng - an ninh hoặc các dự án đặc biệt cấp thiết do Chính phủ quyết định).

1.3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

- Đẩy nhanh tiến độ đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, xác định mốc ranh giới rừng và đất lâm nghiệp trên bản đồ và ngoài thực địa của các chủ rừng đảm bảo quản lý chặt chẽ; hoàn thành việc xác định, cắm mốc ranh giới, đo đạc lập bản đồ địa chính và lập hồ sơ chuyển sang thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp.

- Triển khai thực hiện việc xác định, cắm mốc ranh giới, đo đạc lập bản đồ địa chính và lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Công ty nông lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, các ban quản lý rừng, các tổ chức sự nghiệp khác theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội.

1.4. Sở Tài chính có trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu bố trí nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng lâm nghiệp. Lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng hàng năm.

1.5. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

Lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ cây xanh vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thông qua đối tượng học sinh, sinh viên.

1.6. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú báo chí tại tỉnh Hà Tĩnh và hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng, đất lâm nghiệp.

[...]