Quyết định 138/QĐ-UBND về Kế hoạch Bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023

Số hiệu 138/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/01/2023
Ngày có hiệu lực 12/01/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 12 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2023

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Thông tư 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 07/TTr-SNN ngày 06/01/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT UBND tỉnh;
- PCT UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh;
- CVP, PVP NN;
- Lưu: VT, K13 (25b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2023
(Ban hành kèm theo Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Thực hiện Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thông tư 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 14/7/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định, UBND tỉnh chỉ đạo công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR-PTR-PCCCR) trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023 gồm những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có của tỉnh 416.123,05 ha; trong đó: Diện tích có rừng 343.095,00 ha (rừng tự nhiên 214.584,11 ha; rừng trồng 128.510,89 ha); đất mới trồng rừng chưa thành rừng 37.027,48 ha và đất chưa có rừng các loại 36.000,57 ha. Phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2023 của tỉnh đạt 57,3%.

b) Tiếp tục thực hiện khoán bảo vệ rừng 122.515,36 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng 35.426,16 ha; khoanh nuôi 377,8 ha; trồng rừng 8.000,0 ha ((trồng rừng phòng hộ 160 ha (trồng mới 60,0 ha; trồng lại rừng sau khai thác 100 ha), trồng rừng sản xuất 7.840 ha); khai thác 8.760 ha rừng trồng, sản lượng 1.051.200 tấn gỗ các loại (khai thác rừng trồng phòng hộ 272,0 ha; khai thác rừng trồng sản xuất khoảng 8.488,0 ha); sản xuất cây giống 200 triệu cây giống.

c) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng, đốt rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; lấn, chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng trái pháp luật; mua, bán, cất giữ, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản; săn bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật hoang dã trái pháp luật.

d) Phát hiện sớm lửa rừng, huy động lực lượng dập tắt cháy rừng khẩn trương, kịp thời và triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra cả về diện tích và số vụ.

đ) Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về BVR-PTR-PCCCR của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong công tác BVR- PTR-PCCCR. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức quản lý BVR-PTR-PCCCR năm 2022, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng để bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có và diện tích rừng tạo mới; tích cực tham gia trồng, khoanh nuôi tái sinh phát triển tài nguyên rừng để nâng độ che phủ rừng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn cân bằng sinh thái.

2. Yêu cầu

a) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là UBND cấp huyện) và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã):

[...]