Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 7/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa vỡ đê, đập hồ, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu 7/KH-UBND
Ngày ban hành 04/01/2021
Ngày có hiệu lực 04/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Trúc Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7/KH-UBND

Bến Tre, ngày 04 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ THẢM HỌA VỠ ĐÊ, ĐẬP HỒ, THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai; Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự;

Căn cứ Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự.

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch ứng phó thảm họa vỡ đê, đập hồ, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre, với một số nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc chủ động ứng phó thảm họa vỡ đê, đập hồ, thủy lợi, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

2. Yêu cầu

- Chủ động xây dựng các phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống sự cố vỡ đê, đập hồ, thủy lợi; đảm bảo ổn định sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

- Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng.

- Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng trong khu vực bị vỡ đê, đập hồ, thủy lợi.

- Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.

- Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy trong quá trình ứng phó sự cố vỡ đê, đập hồ, thủy lợi.

- Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán.

- Bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực bị vỡ đê, đập hồ, thủy lợi và nơi sơ tán dân.

- Tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với sự cố vỡ đê, đập hồ, thủy lợi.

II. HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI VÀ KHẢ NĂNG CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ VỠ ĐÊ, ĐẬP HỒ, THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, tỉnh Bến Tre đã được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc dự án Hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre; công trình Cống đập Ba Lai; hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn,… Các công trình được đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt, triều cường trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi vẫn chưa được khép kín do hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn dở dang và Dự án quản lý nước (JICA3) vừa triển khai giai đoạn thiết kế và đấu thầu xây lắp,… do đó tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát được nguồn nước trong tình huống xâm nhập mặn, triều cường diễn biến gay gắt, điển hình các thiệt hại do triều cường như: năm 2017, sạt lở đê bao cồn Phú Đa - Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách và sạt lở khu vực cồn Thành Long, ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam; năm 2020, sạt lở đê bao ven sông Cổ Chiên, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách và sạt lở đê bao khu vực ấp 4, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản (nhà ở, hoa màu,...) của người dân.

Trước các tác động phức tạp của sự biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt cộng hưởng với thủy triều dâng cao trong điều kiện hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được khép kín có khả năng xảy ra sự cố vỡ đê, đập hồ, thủy lợi gây ảnh hưởng thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, phá hủy nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.

III. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

1. Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị và các địa phương liên quan để ứng phó sự cố vỡ đê, đập hồ, thủy lợi và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lực lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống vỡ đê, đập hồ, thủy lợi xảy ra.

[...]