Kế hoạch 1988/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 1988/KH-UBND
Ngày ban hành 15/06/2021
Ngày có hiệu lực 15/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1988/KH-UBND

Kon Tum, ngày 15 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ THẢM HỌA VỠ ĐẬP, HỒ THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 09 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập và hồ chứa;

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Căn cứ Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc Ban hành Danh mục đập, hồ chứa thủy lợi lớn, vừa, nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Căn cứ Kế hoạch số 1443/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, các chủ đập thủy lợi và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy lợi, giảm tổn thất về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước; nâng cao năng lực lãnh đạo, công tác phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lực lượng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”; nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp Nhân dân tại địa phương về nguy cơ và cách phòng tránh thảm họa thiên tai để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhân dân góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị và các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra.

- Chủ động xây dựng các phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi; đồng thời, giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, bảo vệ tính mạng Nhân dân.

- Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng. Từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, cân đối nguồn kinh phí bố trí đầu tư, xây dựng, mua sắm phương tiện, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại khi xảy ra sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi. Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố liên quan đến các công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.

- Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy trong quá trình ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán; bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn và tại khu vực bị vỡ đập, hồ thủy lợi và nơi sơ tán dân.

- Tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với sự cố vỡ đập, hồ chứa thủy lợi.

II. NỘI DUNG

1. Khái quát hệ thống công trình đập, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 595 công trình thủy lợi đang vận hành khai thác do nhà nước quản lý (Trong đó có 20 đập, hồ chứa lớn; 29 đập, hồ chứa vừa; 539 đập, hồ chứa nhỏ và 07 trạm bơm nhỏ). Thực hiện Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 09 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập và hồ chứa; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành danh mục đập, hồ chứa thủy lợi lớn, vừa và nhỏ tại Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2019; Quyết định số 1335/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2020 về việc phân cấp giao quản lý kết cấu hạ tầng các công trình thủy lợi (bổ sung) trên địa bàn tỉnh Kon Tum, số lượng công trình cụ thể: (i) Số lượng đập, hồ chứa lớn là 19 hồ, 01 đập dâng (Trong đó có 08 hồ chứa và 01 đập dâng điều tiết bằng cửa van); (ii) Số lượng đập, hồ chứa vừa là 28 hồ, 01 đập dâng (Trong đó có 05 hồ chứa điều tiết bằng cửa van); (iii) Số lượng đập, hồ chứa nhỏ là 37 hồ, 502 đập dâng (Trong đó có 01 hồ chứa điều tiết bằng cửa van); (iv) Số lượng Trạm bơm điện: 07 trạm bơm;

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có công trình Hồ chứa cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla do Công ty TNHH KONIA quản lý vận hành khai thác, đây là hồ chứa lớn thuộc đối tượng quản lý an toàn đập theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 09 năm 2018 của Chính phủ (Chi tiết từng công trình thuộc đối tượng quản lý lý an toàn đập theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ tại Phụ lục kèm theo). Hiện nay, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và các địa phương tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống vỡ đập, hồ chứa chi tiết, cụ thể cho từng công trình, đập, hồ chứa thuộc đơn vị, địa phương quản lý.

2. Tổ chức ứng phó với tình huống sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi, xả lũ và tìm kiếm cứu nạn

a) Công tác phòng ngừa, ứng phó sự số, thiên tai

- Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để triển khai thực hiện theo quy định.

[...]