Kế hoạch 6991/KH-UBND năm 2018 hành động về dinh dưỡng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 6991/KH-UBND
Ngày ban hành 20/08/2018
Ngày có hiệu lực 20/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký H'Yim Kđoh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6991/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 20 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VỀ DINH DƯỠNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Triển khai Quyết định số 718/QĐ-BYT, ngày 29 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về dinh dưỡng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

1. Quan điểm

- Dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Cải thiện tình trạng dinh dưỡng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người dân. Cần tăng cường sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động dinh dưỡng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động dinh dưỡng được huy động từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động dinh dưỡng tại các vùng nghèo, vùng khó khăn, trong thiên tai, thảm họa, đối tượng bà mẹ và trẻ em. Tăng cường xã hội hóa để tạo nguồn lực cho hoạt động dinh dưỡng.

- Bảo đảm chăm sóc dinh dưỡng giai đoạn 1.000 ngày đầu đời từ lúc bà mẹ có thai đến khi trẻ tròn 2 tuổi để phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi ở trẻ em một cách có hiệu quả.

2. Mục tiêu chung

Phát huy thành tựu đạt được trong công tác dinh dưỡng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, với sự nỗ lực của ngành y tế, huy động mọi nguồn lực để đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đạt được các mục tiêu về dinh dưỡng ban hành kèm theo Quyết định số 718/QĐ-BYT ngày 29/01/2018 của Bộ Y tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em

- Giảm tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ < 5 tuổi xuống còn 27,8%.

- Giảm tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ < 5 tuổi giảm xuống còn 15,5 %.

- Tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 35%.

b) Giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người dân

- Tỷ lệ trẻ < 5 tuổi được uống vitamin A 2 đợt/năm đạt > 90%.

- Tỷ lệ trẻ em 24-60 tháng được uống tẩy giun 2 đợt/năm đạt > 90%.

- Bà mẹ sau sinh 1 tháng được uống 1 liều Vitamin A 200.000 UI đạt > 90%.

- Bảo đảm tỷ lệ hộ gia đình dùng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt trên 90%, mức trung vị I-ốt niệu của bà mẹ có con dưới 5 tuổi đạt từ 10-20 µg/dl

c) Cải thiện về số lượng và chất lượng bữa ăn của người dân từng bước kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành

- Khống chế tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ < 5 tuổi dưới 10%.

- Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ ốm đạt 85%.

d) Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế

- Đảm bảo 100% nhân sự chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh và 75% tuyến huyện được đào tạo có chứng chỉ về chuyên ngành dinh dưỡng.

- Đảm bảo 100% nhân sự chuyên trách tuyến xã và y tế thôn bản được tập huấn, cập nhật các kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cơ bản tại cộng đồng.

- Đảm bảo 95% tuyến tỉnh và 50% tuyến huyện có triển khai hoạt động tư vấn và thực hiện thực đơn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ bị suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai và một số bệnh lý đặc biệt.

3. Nội dung ưu tiên

[...]