Kế hoạch 69/KH-UBND năm 2024 về thu thập, tiếp nhận tài liệu nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định từ nay đến 2025

Số hiệu 69/KH-UBND
Ngày ban hành 26/03/2024
Ngày có hiệu lực 26/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/KH-UBND

Bình Định, ngày 26 tháng 03 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THU THẬP, TIẾP NHẬN TÀI LIỆU NỘP LƯU VÀO LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH BÌNH ĐỊNH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 07/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử; Quyết định số 4603/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Danh mục các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thu thập, tiếp nhận tài liệu nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định từ nay đến năm 2025, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 07/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử.

b) Xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thuộc Danh mục nguồn nộp lưu tài liệu trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện việc giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh theo đúng thời gian quy định.

c) Bảo quản, bảo vệ an toàn, khoa học tài liệu lưu trữ; phục vụ có hiệu quả công tác quản lý và nghiên cứu khoa học, lịch sử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Yêu cầu

a) Xác định nguồn nộp lưu, thành phần tài liệu giao nộp, đối tượng, thời hạn nộp lưu hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định của Luật Lưu trữ và các quy định có liên quan.

b) Việc giao nộp, tiếp nhận phải thực hiện kịp thời, đúng thời gian. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chậm trễ trong việc giao, nhận hoặc không đảm bảo tài liệu nộp vào Lưu trữ lịch sử theo quy định của pháp luật.

II. ĐỐI TƯỢNG, THÀNH PHẦN, THỜI GIAN THU THẬP TÀI LIỆU

1. Đối tượng, thành phần tài liệu giao nộp

a) Đối tượng: các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giao nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh theo quy định tại Quyết định số 4603/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Thành phần tài liệu giao nộp:

- Tài liệu có thời bảo quản vĩnh viễn hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, bao gồm: tài liệu hành chính, tài liệu chuyên ngành, tài liệu nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ; tài liệu điện tử (nếu có); tài liệu ghi âm, ghi hình và tài liệu trên các vật mang tin khác.

- Tài liệu các dự án, công trình xây dựng thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BNV-BXD ngày 21/8/2014 của Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng.

2. Thời hạn, thời gian tài liệu nộp lưu

a) Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Lưu trữ (đối với tài liệu hành chính) và Điều 15 Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ (đối với tài liệu chuyên ngành):

- Đối với tài liệu hành chính: giao nộp toàn bộ tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn từ năm 2024 trở về trước (bắt buộc giao nộp đối với tài liệu trước năm 2014; có thể giao nộp tài liệu từ năm 2015 đến năm 2024).

- Đối với tài liệu chuyên ngành: giao nộp toàn bộ tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn từ năm 2024 trở về trước (bắt buộc giao nộp đối với tài liệu trước 1994; có thể giao nộp tài liệu chuyên ngành từ năm 1995 tới năm 2024).

b) Thời gian giao nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử: tại Phụ lục I và Phụ lục II kèm theo Kế hoạch này.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức về chỉ đạo, điều hành thu thập, tiếp nhận tài liệu nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản mới quy định về lĩnh vực văn thư, lưu trữ; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác văn thư, lưu trữ để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử. Chỉ đạo xây dựng, ban hành Danh mục hồ sơ công việc cơ quan, đơn vị; triển khai lập hồ sơ công việc theo Danh mục ban hành, thực hiện giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử theo quy định.

2. Tổ chức triển khai có hiệu quả công tác thu thập, giao nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh

a) Sở Nội vụ xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Danh mục thành phần hồ sơ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh (có thời hạn bảo quản vĩnh viễn); hướng dẫn cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu xác định thành phần tài liệu giao nộp vào Lưu trữ lịch sử theo quy định. Thẩm định, phê duyệt Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu trên cơ sở hồ sơ thẩm định đề nghị phê duyệt của Lưu trữ lịch sử tỉnh.

b) Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý tài liệu tích đống, lựa chọn hồ sơ, tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn và thống kê thành Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu. Hoàn thiện Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu; giao nộp hồ sơ, tài liệu theo Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu đã được người đứng đầu cơ quan, tổ chức phê duyệt. Thực hiện quy trình giao nộp theo Thông tư số 16/2014/TT-BNV ngày 20/11/2014 của Bộ Nội vụ.

[...]