Kế hoạch 1148/KH-UBND công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử năm 2024 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 1148/KH-UBND
Ngày ban hành 15/02/2024
Ngày có hiệu lực 15/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Võ Ngọc Hiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1148/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 15 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VĂN THƯ, LƯU TRỮ VÀ QUẢN LÝ TÀI LIỆU LƯU TRỮ LỊCH SỬ NĂM 2024

Thực hiện Luật Lưu trữ ngày 11/11/2011 và Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư; trên cơ sở đặc điểm tình hình về công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ năm 2024 trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ đến cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ.

2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ và quản lý tài liệu tại lưu trữ cơ quan và lưu trữ lịch sử theo nhiệm vụ của năm 2024 và những năm tiếp theo.

3. Đưa hoạt động văn thư, lưu trữ đi vào nề nếp; tổ chức văn thư, lưu trữ và hệ thống kho lưu trữ từng bước được củng cố; tài liệu lưu trữ được bảo vệ, bảo quản an toàn và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ công tác của các cơ quan, tổ chức cũng như yêu cầu khai thác, sử dụng của xã hội.

4. Các cơ quan, tổ chức căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ năm 2024 để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn công tác văn thư, lưu trữ:

a) Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý bằng các hình thức như: phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử và mở các lớp tập huấn nghiệp vụ.

b) Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn về công tác văn thư, lưu trữ:

- Sở Nội vụ xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ phù hợp với quy định hiện hành; đồng thời, rà soát các văn bản đã ban hành trước đây về công tác văn thư, lưu trữ không còn phù hợp với tình hình thực tế để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp các quy định hiện hành của nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ để áp dụng thống nhất tại các cơ quan, tổ chức.

- Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ quy định hiện hành và văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ, thực hiện rà soát những văn bản đã ban hành không còn phù hợp để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như: quy chế công tác văn thư, lưu trữ; danh mục hồ sơ; bảng thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ; quy chế khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ của cơ quan…

c) Công tác tổ chức cán bộ, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ:

- Các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị:

+ Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, bố trí công chức viên chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc theo đúng vị trí việc làm; đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật và yêu cầu công việc, đặc biệt là công tác văn thư, lưu trữ điện tử và quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử cấp tỉnh.

+ Chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tập huấn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ cho công chức, viên chức đang làm công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.

+ Rà soát và cử công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ chưa đảm bảo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm tham gia các lớp đào tạo để đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

- Sở Nội vụ phối hợp tổ chức mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ, đặc biệt là tài liệu điện tử, bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định pháp luật cho lãnh đạo Văn phòng (Phòng Hành chính), Phòng Nội vụ, công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ tại các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và UBND các thành phố, huyện, xã, phường, thị trấn.

d) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ; theo dõi, cập nhật danh sách các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ.

đ) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ; kiểm tra chất lượng hoạt động dịch vụ lưu trữ.

e) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, tổ chức; tiếp tục triển khai thực hiện lưu trữ tài liệu điện tử theo lộ trình Kế hoạch số 4534/KH-UBND ngày 19/5/2020 UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và Công văn số 903/VTLTNN-QLII ngày 21/8/2023 của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước về hướng dẫn hoạt động thu thập và nộp lưu hồ sơ, tài liệu lưu trữ điện tử vào Lưu trữ lịch sử.

2. Quản lý tài liệu tại Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử tỉnh:

a) Lưu trữ cơ quan: yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; các doanh nghiệp nhà nước; các cơ quan, tổ chức Trung ương đóng tại địa phương:

- Chỉ đạo, đôn đốc công chức, viên chức thuộc quyền quản lý lập hồ sơ công việc và thực hiện kế hoạch thu thập tài liệu vào Lưu trữ cơ quan.

- Thực hiện chỉnh lý theo quy định tại Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 07/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử và Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 10/5/2023 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng tại các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023 - 2027.

- Triển khai thực hiện Đề án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh sau khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

[...]