Kế hoạch 656/KH-UBND năm 2022 truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 656/KH-UBND
Ngày ban hành 17/10/2022
Ngày có hiệu lực 17/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 656/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 17 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1828/QĐ-BNN-VPĐP ngày 23/5/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Chương trình truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về mục đích, ý nghĩa, vai trò, nội dung và nhiệm vụ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng, cùng chung sức xây dựng nông thôn Bắc Kạn trở thành những miền quê đáng sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

- Tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cơ sở, góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”; phát huy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

2. Yêu cầu

- Công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo đa dạng, phong phú, sáng tạo cả về hình thức và nội dung thông tin, kịp thời, hiệu quả và tiến hành đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành.

- Nội dung, phương pháp và cách thức truyền thông thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và từng đối tượng được tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí, huy động thêm các nguồn lực khác theo hướng xã hội hóa nhằm góp phần đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ truyền thông, thông tin tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.

- Thông tin truyền thông cần cô đọng, đơn giản, dễ hiểu có mục tiêu rõ ràng và cụ thể để thực hiện “Tuyên truyền nhân dân”.

II. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi: Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ GIẢI PHÁP

1. Nội dung

1.1. Tập trung tuyên truyền về những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và các chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025[1] (sau đây gọi tắt là các chương trình chuyên đề), chú trọng đến nâng cao chất lượng sống, tri thức của người dân nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển ngành nghề nông thôn và sản phẩm OCOP, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy an ninh trật tự, bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn...; tăng cường năng lực cho các cộng đồng dân cư, cán bộ cơ sở và người dân ở nông thôn, cụ thể:

- Nâng cao năng lực cho các cộng đồng dân cư, cán bộ cơ sở và người dân ở nông thôn nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn, tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết và hợp tác trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”.

- Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp”.

- Chuyển đổi tư duy cho cán bộ cơ sở, cộng đồng và người dân nông thôn về phát triển kinh tế nông thôn theo hướng: Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững, có trách nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

- Quy hoạch nông thôn, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

- Triển khai Chương trình OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP xanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

- Triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số tại khu vực nông thôn. Đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, gắn với thương mại điện tử, bán hàng online, liestream,…

- Triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới; tăng cường các hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP.

- Triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.

[...]