Kế hoạch 6355/KH-BNN-KTHT năm 2018 về phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 6355/KH-BNN-KTHT
Ngày ban hành 17/08/2018
Ngày có hiệu lực 17/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6355/KH-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN ĐẾN 2020

Thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch “Phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020” với các nội dung cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG CÁC HTX NÔNG NGHIỆP

1. Tình hình ứng dụng công nghệ cao trong các HTX nông nghiệp

Đến nay, cả nước có trên 12.600 HTX nông nghiệp, trong đó có 46% số HTX đạt mức khá, tốt theo kết quả phân loại, đánh giá năm 2017. Có 199 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao ở 41 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 161 HTX trồng trọt, lâm nghiệp (chiếm 80,9%), 18 HTX chăn nuôi (chiếm 9,0%), 20 HTX thủy sản (chiếm 10,0%). Các lĩnh vực sản xuất của HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.

Những vùng và địa phương có nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhất là: Tây Nguyên (57 HTX), Đồng bằng sông Cửu Long (39 HTX); Lâm Đồng (36 HTX), Long An (14 HTX), Hà Nội (13 HTX), Hà Tĩnh và thành phố Hồ Chí Minh mỗi tỉnh, thành có 11 HTX.

Căn cứ tiêu chí phân loại ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tổng số 199 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có: 164 HTX (chiếm 82,4%) áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; 17 HTX (chiếm 8,5%) áp dụng công nghệ tự động hóa; 17 HTX (chiếm 8,5%) áp dụng công nghệ sinh học; 1 HTX (chiếm 0,5%) ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

2. Đánh giá chung

a) Kết quả đạt được

- Nhận thức về hiệu quả và sự cần thiết áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển biến.

- Nhiều địa phương đã quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo và có các chính sách khuyến khích HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An, Hà Tĩnh....

- Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong các HTX cho thấy những kết quả, hiệu quả rõ rệt như: giảm được giá thành sản xuất, giảm rủi ro và sự lệ thuộc vào thời tiết; bảo đảm tốt hơn an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; sản phẩm nông nghiệp cho chất lượng cao và ổn định hơn qua đó cho phép tăng thu nhập và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

b) Hạn chế và nguyên nhân.

- Hạn chế:

+ Số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp, hết năm 2017 cả nước mới chỉ có 199 HTX, chiếm 1,7% tổng số HTX nông nghiệp.

+ Quy mô ứng dụng công nghệ cao trong các HTX nông nghiệp còn nhỏ.

+ Công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất ở các HTX chủ yếu là kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (chiếm hơn 82,4%). Tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, tin học chưa cao (chưa đến 17,6%).

- Nguyên nhân:

+ Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ các HTX nông nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

+ Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ của nhà nước đối với các HTX nông nghiệp nói chung và HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng còn rất hạn chế.

+ Trình độ, năng lực quản lý của các HTX nông nghiệp còn thấp.

+ Thiếu đội ngũ tư vấn và thông tin về công nghệ nên phần lớn các HTX lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung.

Phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về xây dựng 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

[...]