Quyết định 34/2019/QĐ-TTg quy định về tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển kèm theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 34/2019/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 18/12/2019 |
Ngày có hiệu lực | 03/02/2020 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Trịnh Đình Dũng |
Lĩnh vực | Đầu tư |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2019/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2019 |
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
1. Quyết định này quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để hưởng các chính sách quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và khoản 2a Điều 15 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (được bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn).
1. Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện quy định tại Quyết định này.
Dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là dự án, phương án sản xuất kinh doanh phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:
1. Công nghệ ứng dụng trong dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 4 Quyết định này và Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2017/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Sản phẩm được tạo ra của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm.
3. Được cấp chứng nhận hoặc cam kết công bố áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo một trong các tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, GAP, GMP hoặc tiêu chuẩn quốc tế tương đương về hệ thống quản lý chất lượng.
4. Dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển như sau:
1. Bổ sung số thứ tự 63: Công nghệ thông tin: Trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản; trong dự báo, tích trữ, khai thác nguồn nước; trong thu, trữ nước để cung cấp nước ổn định, hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu.
2. Bổ sung số thứ tự 64: Công nghệ vệ tinh, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành: Công trình thủy lợi, khai thác nguồn lợi hải sản, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giám sát và đánh giá mùa màng, giám sát phòng chống cháy rừng, quản lý tài nguyên rừng, xói lở bờ biển, phòng, chống dịch hại cây trồng nông lâm nghiệp.
3. Bổ sung số thứ tự 65: Công nghệ lai tạo giống kết hợp công nghệ sinh học phân tử để tạo ra các giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản mới có đặc tính ưu việt (năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu).
4. Bổ sung số thứ tự 66: Công nghệ sinh học, sinh học phân tử, miễn dịch học, vi sinh vật học: Trong phòng, trị sinh vật gây hại, bệnh hại; trong giám định, chẩn đoán bệnh hại cây trồng, vật nuôi, thủy sản; trong sản xuất thuốc thử, que thử, đoạn mồi, kháng thể chẩn đoán nhanh bệnh hại cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
5. Bổ sung số thứ tự 67: Công nghệ canh tác không dùng đất: thủy canh, khí canh, ươm, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng.
6. Bổ sung số thứ tự 68: Công nghệ thâm canh, quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm; công nghệ nuôi siêu thâm canh thủy sản.