Kế hoạch 6296/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030 của tỉnh Bình Dương

Số hiệu 6296/KH-UBND
Ngày ban hành 22/12/2020
Ngày có hiệu lực 22/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Lộc Hà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6296/KH-UBND

Bình Dương, ngày 22 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2030 CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Phần A

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG DÂN SỐ TRONG THỜI GIAN QUA

I. Kết quả thực hiện công tác truyền thông Dân số

- Trong giai đoạn 2011 - 2020, truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc thực hiện KHHGĐ, chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng dân số. Công tác truyền thông đã từng bước chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là duy trì mức sinh và nâng cao chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW.

- Các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức; trong đó tập trung vào các đợt truyền thông địa bàn trọng điểm, nhân dịp kỷ niệm và các sự kiện của chương tình dân số; đa dạng hóa hình thức truyền thông, tư vấn đến từng nhóm đối tượng được chú trọng thường xuyên.

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, cam kết, ủng hộ và tham gia truyền thông, vận động về công tác dân số; đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, của mỗi gia đình và cộng đồng.

- Kết quả truyền thông dân số hàng năm góp phần đạt chỉ tiêu kế hoạch và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cụ thể: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2019 là 1,42%; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 2,26%; Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) trong những năm gần đây đã duy trì ở mức 103-107 bé trai/100 bé gái (năm 2019 là 106,7 bé trai/100 bé gái); Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

- Có thể nói, công tác truyền thông, vận động với nhiều hình thức khác nhau để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số luôn được xác định là một giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu, đạt được những kết quả rất tích cực của chương trình dần số. Tuy nhiên với tình trạng mức sinh đang có xu hướng ngày càng giảm, Bình Dương nằm trong nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp, tổng tỷ suất sinh (Tổng tỷ suất sinh trên địa bàn giảm mạnh từ 1,7con/phụ nữ năm 2016 xuống còn 1,54 con/phụ nữ năm 2019); cơ cấu dân số đang chuyển dịch, tỷ lệ dân số trong độ tuổi 20-29 giảm từ 35,06% năm 2015 xuống còn 23,7% năm 2019, chất lượng dân số chưa cao…, vẫn là thách thức lớn đối với công tác dân số của tỉnh.

II. Hạn chế, tồn tại

- Phong tục tập quán và những yếu tố tâm lý về quy mô gia đình lớn và giới tính của con cái còn nặng nề. Tư tưởng “phải có con trai” vẫn còn tồn tại.

- Dân số thường xuyên biến động do tăng cơ học (dân số cơ học tăng hơn dân số tự nhiên) trong khi việc quản lý dân số còn nhiều lúng túng, phức tạp, thiếu chặt chẽ.

- Kinh phí hoạt động truyền thông giảm rất nhiều trong khi công tác tuyên truyền vận động là hoạt động không thể thiếu trong công tác dân số nhất là tuyến xã, huyện, địa bàn đặc thù có khu công nghiệp.

- Một số thông tin không chính thống, hiểu chưa đúng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân số được đăng tải lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trên các trang mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số.

III. Nguyên nhân

1. Nguyên nhân của kết quả đạt được

- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản và tăng cường chỉ đạo việc ổn định tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, đầu tư nguồn lực... làm cơ sở để đẩy mạnh việc củng cố và tổ chức thực hiện mục tiêu công tác DS-KHHGĐ.

- Sự phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể liên quan.

- Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm điều kiện hoạt động và tổ chức thực hiện mục tiêu công tác DS-KHHGD.

- Sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của Ngành Y tế trong công tác phối kết hợp của hệ thống Y tế từ tỉnh đến cơ sở.

- Nhận thức của đại bộ phận nhân dân ngày càng được nâng cao trước thực trạng dân số gia tăng, người dân hiểu và tự nguyện hơn trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ.

2. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại

- Công tác truyền thông về DS-KHHGĐ chưa đi vào chiều sâu nên chưa làm chuyển biến tâm lý, tập quán và thay đổi thái độ sinh đẻ, bình đẳng giới, về giá trị của con cái trong gia đình ở một số địa bàn.

- Nội dung, hình thức truyền thông chưa có sự chuyển hướng kịp thời cho phù hợp việc thay đổi về kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

- Kinh phí Trung ương ủy quyền chương trình mục tiêu y tế -dân số đầu tư cho công tác truyền thông ngày càng bị cắt giảm.

Phần B

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2030

[...]