Kế hoạch 62/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 62/KH-UBND
Ngày ban hành 08/04/2022
Ngày có hiệu lực 08/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 08 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH CHẾ BIẾN RAU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

Thực hiện Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2022 - 2030; trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1026/TTr-UBND ngày 06/4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2022 - 2030, với các nội dung sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

- Phát triển bền vững ngành chế biến rau quả trên cơ sở thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025.

- Đến năm 2030, ngành chế biến rau quả phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững; đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ; có trình độ công nghệ tiên tiến được gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tổn thất sau thu hoạch rau quả giảm bình quân trên 1,0%/năm.

- Trên 50% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến.

- Thu hút 3 - 5 doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh.

II. Nội dung kế hoạch

1. Tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến

Xây dựng, hình thành các vùng sản xuất rau quả tập trung, mô hình, dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau quả. Ưu tiên lựa chọn phát triển một số loại rau quả chủ lực mà địa phương có lợi thế sản xuất, liên kết với các khu vực, địa phương xung quanh để tạo vùng rau quả tập trung, quy mô hàng hóa lớn.

2. Phát triển, đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, chế biến rau quả

Thu hút đầu tư cơ sở chế biến tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đã có để tạo thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hỗ trợ phát triển ngành chế biến, bảo quản rau quả.

3. Đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao

- Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ sản phẩm thô sang sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến tổng hợp để tạo giá trị gia tăng cao.

- Phát triển chế biến rau quả chủ lực, đặc sản địa phương, vùng miền và sản phẩm OCOP nhằm ổn định, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian sử dụng.

4. Phát triển thị trường tiêu thụ rau, quả

- Cập nhật thông tin về chính sách thương mại, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các rào cản kỹ thuật, thuế để định hướng cho hoạt động sản xuất của địa phương.

- Tổ chức tốt hoạt động xúc tiến thương mại; quảng bá giới thiệu sản phẩm; đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm rau quả; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm rau quả của địa phương.

- Tiếp tục tuyên truyền thực hiện hiệu quả, thiết thực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

III. Nguồn kinh phí

1. Tổng kinh phí thực hiện: 43,5 tỷ đồng (có bảng khái toán kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch kèm theo).

2. Nguồn kinh phí thực hiện:

- Ngân sách nhà nước: 39,5 tỷ đồng.

- Vốn doanh nghiệp: 4,0 tỷ đồng.

[...]