Kế hoạch 61/KH-UBND về tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023

Số hiệu 61/KH-UBND
Ngày ban hành 03/02/2023
Ngày có hiệu lực 03/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Hồng Vinh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/KH-UBND

Nghệ An, ngày 03 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2023

Thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2023 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2023 - 2025; xét đề nghị của Sở Tư Pháp tại Tờ trình số 56/TTr-STP ngày 18/01/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền pháp luật (TTPL) về trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư, hướng tới một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn trong giao thông.

b) Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ các Sở, ban, ngành và năng lực, đạo đức, ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

c) Nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của các thành viên Tiểu ban tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố, thị xã. Xây dựng mối quan hệ phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các ngành có liên quan trong công tác tuyên truyền pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

d) Góp phần đạt mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, bị thương) so với năm 2022; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; giảm tai nạn giao thông do nguyên nhân của người điều khiển phương tiện giao thông như: Phóng nhanh, vượt ẩu; chạy sai phần đường, làn đường; trong máu có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, không chấp hành các báo hiệu đường bộ; xe quá khổ, quá tải...

2. Yêu cầu

a) Đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với nhận thức của từng đối tượng tham gia giao thông, từng vùng, miền khác nhau. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyên truyền an toàn giao thông.

b) Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền từ cấp tỉnh đến cơ sở. Chú trọng tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông như: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu bia trong khi lái xe, thiếu chú ý quan sát, lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông để sản xuất, kinh doanh, buôn bán...; mức xử phạt và hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

c) Gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, thành viên Tiểu ban tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP

1. Đối tượng tuyên truyền

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa với chủ đề năm 2023. Trong đó tập trung các đối tượng học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, lao động tự do, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, các chủ xe, người điều hành vận tải các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, người đứng đầu các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt, chủ các cảng, bến thủy nội địa; đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống tại các vùng sâu, vùng xa.

2. Nội dung tuyên truyền

a) Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa với chủ đề năm 2023 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

b) Tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về an toàn giao thông, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư; xây dựng điển hình các địa phương, đơn vị, cơ quan, trường học đảm bảo trật tự an toàn giao thông và không có tai nạn giao thông.

c) Tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là việc sử dụng mô tô, xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, uống rượu bia khi tham gia giao thông, xe quá khổ, quá tải tuyên truyền về hậu quả, tác hại của tai nạn giao thông; tuyên truyền Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng; Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/01/2022 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025.

3. Giải pháp thực hiện

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

b) Đổi mới hình thức tuyên truyền, xây dựng các mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng, tăng thời lượng tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về TTATGT.

c) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong việc chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thuộc lĩnh vực mình quản lý, địa bàn được phân công theo dõi.

d) Tổ chức kiểm tra, đánh giá một số đơn vị, địa phương trong việc triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

đ) Phối hợp đồng bộ và thường xuyên giữa các thành viên Tiểu Ban tuyên truyền pháp luật giao thông và các ngành có liên quan trong công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

e) Thông báo các trường hợp vi phạm đến các cơ quan, tổ chức, địa phương nơi cư trú, công tác, học tập của người có hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông để nhắc nhở, giáo dục theo quy định.

g) Xây dựng mô hình chỉ đạo điểm tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

[...]