Kế hoạch 3697/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 3697/KH-UBND
Ngày ban hành 13/10/2021
Ngày có hiệu lực 13/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3697/KH-UBND

Kon Tum, ngày 13 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG VÀ HỆ THỐNG THÔNG TIN CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020 - 2025 (Đề án). Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG

1. Quan điểm

Tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở là khâu quan trọng góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; có vai trò là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân và là diễn đàn để người dân phản ánh tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đến lực lượng có chức năng xem xét xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

- Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia phải thường xuyên, liên tục, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán.

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các chủ thể tham gia giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Đối với báo in, báo điện tử: Tăng cường chất lượng nội dung chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Đối với báo nói, báo hình: Tăng cường chất lượng nội dung phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Đối với hệ thống thông tin cơ sở: 80% Đài truyền thanh cấp xã; bản tin thông tin cơ sở; tài liệu không kinh doanh; báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin cơ sở; bảng tin công cộng ...tổ chức biên tập lại nội dung thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với địa phương.

- Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; 100% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe

3. Đối tượng tuyên truyền

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và phòng, chống tác hại rượu, bia đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Trong đó, tăng cường tuyên truyền các nhóm đối tượng: thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng nông thôn; nhóm đội ngũ lái xe vận tải hành khách, hàng hóa, xe siêu trường, siêu trọng ….

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa và tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia[1].

2. Tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông để hình thành văn hóa tham gia giao thông, nhất là đối với giao thông đường bộ; cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn giao thông của các tỉnh thành khác trên cả nước.

3. Trong an toàn giao thông đường bộ: Đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, thắt dây an toàn khi đi xe ô tô; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, vi phạm tốc độ, phần đường, làn đường; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông. Tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt tại trung tâm của các huyện, thành phố và nơi tập trung đông dân cư.

4. Trong an toàn giao thông đường thủy: Thường xuyên tuyên truyền các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, trong hoạt động chở khách du lịch, chở khách trên sông; chủ phương tiện, người lái phương tiện đường thủy nâng cao điều kiện bằng, chứng chỉ điều khiển phương tiện, kiểm định định kỳ an toàn kỹ thuật phương tiện; vận động người tham gia giao thông đường thủy mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân.

5. Trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: Tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông liên quan đến bia rượu của các thành viên trong gia đình, thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng

1.1. Tăng cường chất lượng nội dung tin, bài, phóng sự, câu chuyện, chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu... trên các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về an toàn giao thông; tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia.

1.2. Hàng năm cập nhật, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông.

1.3. Các cơ quan báo, đài đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền; ứng dụng công nghệ vào tuyên truyền; xây dựng các nền tảng ứng dụng cho các nội dung thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tác hại của rượu, bia.

[...]