Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2019 thực hiện giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 17/05/2019
Ngày có hiệu lực 17/05/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Đặng Trọng Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Thái Bình, ngày 17 tháng 5 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

Thực hiện Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới; căn cứ Quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Đề án các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới của Chính phủ; Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 03/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới; Kết luận số 45-KL/TW, ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

- Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông thủy nội địa; tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Cảng, bến sông an toàn” kết hợp với việc tập trung xây dựng mô hình văn hóa giao thông tại các cảng, bến sông, làng chài, các công trình nổi, cụm dân cư dọc theo các tuyến đường thủy nội địa; cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến đường thủy nội địa lập lại trật tự, góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

- Phát huy vai trò công tác phối hợp của các lực lượng chức năng và toàn dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, các lực lượng thực thi công vụ về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

2. Yêu cầu:

- Xác định nhiệm vụ và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa của các cơ quan đơn vị có hiệu quả cao.

- Đảm bảo an toàn luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ đường thủy nội địa và các công trình nổi trên sông.

- Đến năm 2020, thực hiện công bố các tuyến đường thủy nội địa địa phương tỉnh Thái Bình; phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Bình, đưa công tác quản lý vận tải thủy nội địa theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

II. NỘI DUNG CÁC GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy và thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” “Cảng, bến sông an toàn”. Có chính sách khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích và phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm, tiêu cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng chuyên mục an toàn giao thông đường thủy; xây dựng phóng sự phản ánh thực trạng về tình hình trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa nhất là các hoạt động vận tải, phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa, chở quá tải, quá vạch mớn nước, nhà hàng trên sông, đăng đáy cá lấn chiếm luồng chạy tàu; các công trình thi công vượt sông.

3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa của các doanh nghiệp, chủ cảng, bến thủy nội địa. Kiên quyết đình chỉ các bến đò ngang không phép, không đáp ứng các điều kiện về an toàn, không bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật. Thường xuyên kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy, kịp thời bổ sung, thay thế những phao tiêu, báo hiệu bị mất, hư hỏng.

5. Chủ động xây dựng Kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa, nhất là các hành vi vi phạm về phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị hoặc trang bị thiếu dụng cụ nổi cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên và người lái phương tiện không có bằng hoặc có nhưng không phù hợp; phương tiện thủy chở quá tải, quá số người quy định.

6. Tích cực tìm kiếm các nguồn vốn, kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa, hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường thủy; cải tạo xóa bỏ các điểm đen các điểm tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

7. Thực hiện đến năm 2020 công bố các tuyến đường thủy nội địa địa phương và thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Bình làm cơ sở và điều kiện cho công tác cập nhật, quản lý và bảo đảm an toàn giao thông thủy trên hệ thống đường thủy tỉnh Thái Bình.

8. Thực hiện rà soát, quản lý có hiệu quả các phương tiện thủy nội địa đăng ký, đăng kiểm trên địa bàn tỉnh; có phương án đào tạo bảo đảm 100% người lái phương tiện thủy nội địa, thuyền viên được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa; phối hợp với các lực lượng thực thi công vụ và các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm duy trì ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

b) Chỉ đạo các phòng chuyên môn:

- Xác định hành lang bảo vệ luồng chạy tàu trong trường hợp chồng lấn với hành lang bảo vệ công trình kè mỏ, kè lát mái hộ bờ; xây dựng cảng, bến thủy nội địa trong hành lang bảo vệ công trình đê điều của tuyến đường thủy được giao quản lý.

- Phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy và chính quyền địa phương liên quan tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động trên đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động các công trình không bảo đảm điều kiện an toàn phương tiện, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

c) Phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra, giải tỏa các chướng ngại vật, công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trên các luồng tuyến vận tải thủy nội địa được giao quản lý.

[...]