ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5206/QĐ.UBND
|
Nghệ An, ngày 25 tháng 10 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TỈNH
NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản
lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và
Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng
dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực
và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ Giao thông vận tải về
việc phê duyệt điều chỉnh và quy hoạch tổng thể
phát triển giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 4360/QĐ-BGTVT
ngày 10/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung
một số nội dung chi tiết thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải
Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu
tư tại Tờ trình số 2246/TTr-SKHĐT ngày 18 tháng 10 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông
đường thủy nội địa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những
nội dung chính chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:
- Quy hoạch giao thông vận tải đường
thủy nội địa phải phù hợp và đồng bộ với quy hoạch đường
thủy nội địa quốc gia, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch
tổng thể phát triển Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
- Quy hoạch giao thông vận tải đường
thủy nội địa phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch giao
thông vận tải của tỉnh và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành
liên quan như quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch thăm dò,
khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn
tỉnh.
- Gắn hệ thống cảng, bến thủy nội địa,
khu neo đậu và các công trình phụ trợ khác trên các tuyến đường thủy nội địa
thuộc địa bàn tỉnh (bao gồm: các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy
nội địa địa phương và đường thủy nội địa do các huyện quản lý hành chính) đảm bảo
tính kết nối liên hoàn trong khu vực; giữa các khu vực với
các tỉnh và với các vùng kinh tế cả nước, đảm bảo vận tải
thông suốt, an toàn, hiệu quả.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:
1. Mục
tiêu tổng quát:
Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã
hội của tỉnh, đảm bảo phát triển bền vững ngành giao thông
vận tải đường thủy; Tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên để
phát huy tiềm năng, lợi thế về sông ngòi để phát triển
lĩnh vực giao thông đường thủy. Xây dựng kế hoạch cụ thể
theo quy mô, cấp kỹ thuật và đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp các tuyến
sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh để nâng cao khả năng vận tải liên hoàn trong tỉnh, khu vực, hỗ trợ vận tải đường
bộ, xác định các công trình ưu tiên đầu tư, quan tâm vấn đề an toàn giao thông
thủy.
2. Mục tiêu cụ thể
- Quy hoạch chi tiết giao thông vận tải
đường thủy nội địa; xác định quy mô, cấp hạng kỹ thuật các
tuyến đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An;
- Làm cơ sở để quản lý Nhà nước chuyên
ngành đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh;
- Là cơ sở để đầu
tư và phát triển mạng lưới giao thông đường thủy nội địa hợp lý và thống nhất,
có quy mô phù hợp với từng vùng trong tỉnh;
- Xây dựng quy hoạch quản lý và khai
thác giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu vận
tải phục vụ phát triển kinh tế xã hội
của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
III. NỘI DUNG QUY HOẠCH:
1. Quy hoạch các tuyến vận tải thủy chính
1.1. Giai đoạn 2016-2020:
Tuyến trên sông Lam: Từ Cửa Hội đến Bến Thủy, cấp I,
dài khoảng 20Km; Từ Bến Thủy - đập ba
ra Đô Lương, cấp III, dài khoảng 103,7Km; Từ thượng lưu đập
ba ra Đô Lương đến trạm thủy văn Dừa, cấp IV, dài khoảng
39,7Km.
- Tuyến trên kênh Nhà Lê: Từ Bến Thủy
đến ngã ba sông Cấm, cấp V, dài 43Km.
- Tuyến sông Hoàng Mai: Từ cửa Lạch Cờn đến đập Vực Mấu, cấp III, dài khoảng 18Km.
- Tuyến Lan Châu
- Hòn Ngư: dài khoảng 5,7Km, cấp I.
1.2. Giai đoạn 2020-2030:
- Tuyến trên sông Lam: Từ thượng lưu
trạm thủy văn Dừa đến thị trấn Con Cuông, cấp IV, dài khoảng 26,4Km.
- Tuyến trên kênh Nhà Lê: Từ ngã ba
sông Cấm đến khe nước Lạnh, cấp VI-V, dài khoảng 85Km.
- Tuyến kênh đào âu vòm Cóc: dài khoảng
2,1Km, cấp III.
- Tuyến kênh Nam Đàn - Vinh: dài khoảng 24Km, cấp V.
- 03 cửa Lạch Vạn, Lạch Quèn, Lạch
Thơi: dài khoảng 13,5 Km, 5,7Km,
4,5Km; cấp III.
- Tuyến sông Con: đoạn cầu Rỏi đến
cây Chanh, dài khoảng 45 Km, cấp V.
2. Quy hoạch các cảng thủy nội địa:
2.1. Các cảng thủy nội địa
trong vùng nước của cảng biển
2.1.1. Cảng Cửa Hội:
- Vị trí:
Km1+200 (Km0 ở Cửa Hội) Sông Lam, khối Giang Hải 2, phường
Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò.
- Vai trò: cảng cá của vùng. Quy mô:
Nâng cấp cảng đạt tiêu chuẩn cấp I. Kết cấu bằng bê tông,
đá xây, có nhà điều hành và đường ra vào. Khả năng tiếp nhận phương tiện đến
500 tấn, đảm bảo phục vụ cho trên 1.000 tàu thuyền đánh cá vào ra thuận lợi. Hiện
nay cảng cá Cửa Hội đã được đầu tư xây dựng 01 cầu cảng 100 m, trạm biến áp
công suất 660KVA, kho bãi có mái che 900m2, kho và nhà máy đông lạnh, khu vực văn phòng 2 tầng, đường nội bộ và các công trình
phụ trợ khác.
2.1.2. Cảng than và vật liệu xây dựng
Nghi Xuân (thay thế cảng than Bến Thủy hiện nay):
- Vị trí:
Khoảng Km 6 sông Lam (Km0 ở Cửa Hội), xóm
Xuân Cảnh, xã Nghi Xuân, Nghi Lộc (nằm khoảng giữa cảng cá Cửa Hội và cảng Hải
Quân K34).
- Vai trò: cảng công cộng của khu vực,
chủ yếu tập kết, bốc xếp than và vật liệu xây dựng). Quy
mô: cảng cấp IV. Kết cấu bằng bê tông, đá xây, có nhà điều hành và đường ra
vào. Khả năng tiếp nhận phương tiện đến 2.000 tấn. Năng lực xếp dỡ đạt 300.000 tấn/năm, cơ giới hóa xếp dỡ đến 50%.
2.1.3. Cảng Quỳnh Lộc:
- Vị trí: Cách cửa biển sông Hoàng
Mai khoảng 04km, nằm ở thượng lưu cảng Cửa Cờn, xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu.
- Vai trò: cảng tổng hợp cấp II, phục
vụ đi lại của nhân dân, khách du lịch và xếp dỡ hàng hóa, công nghiệp đóng tàu
của vùng. Kết cấu bến cảng bằng bê
tông cốt thép, có tổng chiều dài bến trên 100m. Có hệ thống
kho bãi, nhà điều hành, thiết bị xếp dỡ cơ giới, đường rải
đá. Khả năng tiếp nhận phương tiện đến 1.000 tấn, năng lực
xếp dỡ đến 300.000 tấn/năm. Với vị trí địa lý và điều kiện
tự nhiên thuận lợi của Cửa Cờn sông Hoàng Mai, có độ sâu
trước bến cảng hiện tại sâu 4,5 mét - 5 mét. Phục vụ nhu cầu xếp dỡ, vận chuyển
hàng hóa bằng đường biển ngày càng tăng của khu vực kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ,
nhà máy xi măng Hoàng Mai, công nghiệp đóng tàu, bốc xếp than và vật liệu xây dựng…
2.1.4. Cảng hàng hóa Hưng Hòa:
- Vị trí: Km 18 sông Lam (tính Km 0 ở
Cửa Hội), xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh. Phía Bắc giáp đường ven sông Lam, phía
Đông và Tây giáp giải đất triền sông Lam, phía Nam giáp sông Lam.
- Vai trò: cảng
công cộng của khu vực.
- Quy mô: cảng hàng hóa đạt cấp II. Kết
cấu bến cảng bằng bê tông cốt thép, có 04 bến tổng chiều
dài 240m. Diện tích xây dựng 8,5ha. Có hệ thống kho bãi, nhà xưởng, đường nội
bê tông, thiết bị xếp dỡ cơ giới đến 80%. Khả năng tiếp nhận
phương tiện từ 1.000 - 1.500 tấn, năng lực xếp dỡ đến
300.000 T/năm.
2.1.5. Cảng Cửa Cờn:
- Vị trí: Cách cửa biển sông Hoàng
Mai 03km (đối diện Đền Cờn) xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu.
- Vai trò: cảng công cộng của vùng.
- Quy mô: Nâng cấp cảng đạt tiêu chuẩn cảng cấp III. Kết cấu bến cảng bằng bê tông cốt thép, có tổng chiều dài bến trên 100m. Có hệ thống kho bãi, nhà điều hành, thiết bị xếp
dỡ cơ giới, đường rải đá. Khả năng tiếp nhận phương tiện đến 1.000 tấn, năng lực xếp dỡ đến 300.000 tấn/năm. Với vị trí địa lý và điều kiện
tự nhiên thuận lợi của Cửa Cờn sông Hoàng Mai, có độ sâu
trước bến cảng hiện tại sâu 4,5 mét - 5 mét. Phục vụ nhu cầu
xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ngày càng tăng của khu vực kinh tế
Nam Thanh Bắc Nghệ, nhà máy xi măng Hoàng Mai.
2.1.6. Cảng Cửa Thơi:
- Vị trí: Cách cửa
biển sông Thái 01km (hạ lưu cầu Sơn Thọ khoảng 100m), thuộc xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu.
- Vai trò: cảng công cộng của vùng.
- Quy mô: cảng hàng hóa cấp IV kết hợp cảng cá. Kết cấu bến cảng bằng
bê tông cốt thép, có tổng chiều dài bến trên 100m. Có nhà
điều hành, thiết bị xếp dỡ cơ giới, đường rải
đá. Khả năng tiếp nhận phương tiện đến 300 tấn, năng lực xếp dỡ đến 100.000 tấn/năm,
đảm bảo phục vụ cho trên 500 tàu thuyền đánh cá vào ra thuận lợi. Hiện tại Cửa
Thơi có luồng rộng trên 30m, chiều sâu đến 5m khi triều cường
tàu 200 tấn - 300 tấn vào ra được.
2.1.7. Cảng Cửa Quèn:
- Vị trí: Cửa Quèn, thuộc xã Tiến Thủy,
huyện Quỳnh Lưu.
- Vai trò: cảng công cộng của vùng.
- Quy mô: Nâng cấp
cảng đạt tiêu chuẩn cảng hàng hóa cấp IV kết hợp cảng cá. Kết cấu bến cảng bằng bê tông cốt thép, có tổng chiều dài bến trên 100m. Có nhà điều hành, thiết bị xếp dỡ cơ giới, đường rải đá. Khả năng tiếp
nhận phương tiện đến 500 tấn, năng lực xếp dỡ đến 100.000
tấn/năm, đảm bảo phục vụ cho trên 800 tàu thuyền đánh cá
vào ra thuận lợi. Luồng vào Cửa Quèn hiện tại rộng hơn 30m, sâu đến 5m khi triều cường tàu 200 tấn đến 500 tấn ra vào an toàn.
Hiện nay cảng cá Cửa Quèn đã được đầu tư xây dựng 01 cầu cảng
50 m, trạm biến áp công suất 180KVA, 04 kho đông lạnh, 01 xưởng chế biến hải sản, khu vực văn phòng 2 tầng, đường nội
bộ và các công trình phụ trợ khác.
2.1.8. Cảng Cửa Vạn:
- Vị trí: Cách cửa biển sông Bùng khoảng
800m (thượng lưu cầu Lạch Vạn) thuộc xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu.
- Vai trò: cảng công cộng của vùng.
- Quy mô: Nâng cấp cảng đạt tiêu chuẩn
cảng hàng hóa cấp IV kết hợp cảng cá. Kết cấu bến cảng bằng bê tông cốt thép,
có tổng chiều dài bến trên 100m. Có nhà điều hành, thiết bị xếp dỡ cơ giới, đường rải đá. Khả năng tiếp nhận phương tiện
đến 500 tấn, năng lực xếp dỡ đến 100.000 tấn/năm, đảm bảo phục vụ cho trên 800 tàu thuyền đánh cá
vào ra thuận lợi. Luồng vào Cửa Vạn hiện nay rộng hơn 30m,
sâu đến 5m khi triều cường tàu 200 tấn đến 500 tấn ra vào an toàn. Hiện cảng cá Cửa Vạn đã được đầu tư xây dựng 01 cầu cảng 50m, trạm biến áp công suất 560KVA, kho đông lạnh và xưởng chế
biến hải sản, nhà điều hành, đường nội bộ và các công trình phụ trợ khác.
2.2. Các cảng thủy nội địa dọc các tuyến sông
2.2.1. Cảng khách Du lịch Bến Thủy:
- Vị trí: Km 21 sông Lam (tính Km0
ở Cửa Hội), phường Bến Thủy - Thành phố Vinh. Cảng hàng hóa Bến Thủy hiện tại được dời chuyển xuống Hưng Hòa, cảng than và vật liệu
chất đốt di dời khỏi thành phố.
- Vai trò: là cảng công cộng đầu mối,
phục vụ đi lại của nhân dân, khách du lịch của khu vực.
- Quy mô: Cảng khách cấp I. Kết cấu bến cảng bằng bê tông cốt thép, có nhà
chờ đợi, trang bị tiện nghi, có nhà điều hành và khu vực làm thủ tục của các cơ
quan chức năng, cơ sở dịch vụ đủ điều kiện
phục vụ khách du lịch và Quốc tế. Kết nối thuận tiện với các phương thức vận tải
khác. Khả năng thông qua trên 200.000 lượt HK/năm, phương tiện chở khách lớn nhất đến 300 chỗ ngồi.
Từ đây khách du lịch có thể xuống tàu đi du lịch dọc sông
Lam, vườn tràm sinh thái ở Hưng Hòa hoặc đi dọc sông xuống
Cửa Hội ra đảo Ngư, đến đền chợ Củi - Hà Tĩnh, Nam Đàn...
Vùng này gắn với địa danh Núi Quyết, Phượng Hoàng Trung Đô
và Thành phố Vinh...
2.2.2. Cảng tổng hợp Nam Đàn:
- Vị trí: km 65
sông Lam bờ tả ngạn sông Lam ngay tại thị trấn Nam Đàn.
- Vai trò: cảng tổng hợp, phục vụ đi
lại của nhân dân, khách du lịch và xếp dỡ hàng hóa của vùng.
- Quy mô: cảng hỗn hợp đạt cấp III (cấp III cảng khách và cấp IV hàng hóa). Kết cấu bến cảng bằng bê tông cốt thép, có tổng chiều dài bến trên 100m. Có nhà điều hành, nhà chờ đợi cho khách, có
đủ các điều kiện phục vụ vệ sinh. Có khu vực cảng khách và cảng
hàng hóa riêng biệt. Cảng hàng hóa có thiết bị xếp dỡ cơ giới. Đường đi lại được rải đá. Có báo hiệu đường
thủy đầy đủ theo quy định hiện hành. Có hệ thống chiếu
sáng hoạt động ban đêm. Khả năng tiếp nhận phương tiện chở
khách lớn nhất đến 50 chỗ ngồi, khả năng thông qua trên 50.000 lượt HK/năm. Khả năng tiếp nhận phương tiện chở
hàng đến 50 tấn, năng lực xếp dỡ trên
100.000 tấn/năm, cơ giới hóa xếp dỡ đến 50%; Hiện tại đã
hình thành bến tập kết hàng hóa, chủ yếu là cát, sỏi, vật liệu xây dựng và nông
lâm sản từ Đô Lương, Thanh Chương về. Từ nơi đây, du khách có thể đến các điểm du lịch như: đền thờ Vua Mai Hắc Đế ở chân Núi Đụn bên bờ
Sông Lam, mộ mẹ Vua Mai, cách bến phía hạ lưu là nhà tưởng niệm chí sỹ yêu nước
Phan Bội Châu và theo quốc lộ 46 về Kim Liên quê hương của
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bảo tàng Kim Liên và mộ thân mẫu
Bác Hồ ở Nam Đàn. Khách du lịch sau
khi đi tham quan các địa danh lịch sử có thể xuống thuyền đi du ngoạn trên Sông Lam.v.v...
2.2.3. Cảng hàng hóa Chợ Sỏi (huyện Đô Lương):
- Vị trí: Km120
(Km0 ở Cửa Hội) ở tả ngạn Sông Lam (thị trấn Đô Lương).
- Vai trò: cảng
công cộng của vùng.
- Quy mô: cảng cấp IV. Kết cấu bằng bê tông cốt thép, đá xây, có nhà điều hành và đường ra vào, có tổng
chiều dài bến trên 75m. Khả năng tiếp nhận phương tiện đến
50 tấn. Năng lực xếp dỡ đạt 100.000 tấn/năm, được cơ giới hóa xếp dỡ đến 50%. Cảng nằm sát giao lộ Quốc lộ 15 với
Quốc lộ 7 và Quốc lộ 46 nên lượng hàng hóa trao đổi tại đây rất phong phú, đa dạng.
Ngoài việc vận chuyển vật liệu xây dựng và chất đốt, nông
lâm sản, cảng Chợ Sỏi được đầu tư xây
dựng sẽ phục vụ vận chuyển xi măng cho nhà máy xi măng Đô
Lương với công suất 1,5 triệu tấn/năm đã được khởi công
xây dựng năm 2007.
2.2.4. Cảng hàng hóa Tràng Sơn (huyện
Đô Lương):
- Vị trí: Khoảng Km123 - Km123+300 và Km124+350 -
Km124+700, bờ tả sông Lam, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương.
- Vai trò: cảng công cộng của vùng.
- Quy mô: cảng cấp II. Kết cấu bằng
bê tông cốt thép, đá xây, có nhà điều hành và đường ra
vào. Khả năng tiếp nhận phương tiện trên 1000 tấn. Cảng nằm sát giao lộ Quốc lộ
15 nên lượng hàng hóa trao đổi tại đây rất phong phú, đa dạng. Ngoài việc vận
chuyển vật liệu xây dựng và chất đốt, nông lâm sản, cảng còn được đầu tư xây dựng sẽ phục vụ vận chuyển xi măng cho nhà máy xi măng Đô Lương.
3. Quy hoạch các bến thủy nội địa
- Các bến hành khách: Quy hoạch hệ thống
bến khách thủy nội địa là 35 bến. Trong đó: 23 bến khách ngang sông và 12 bến
khách dọc sông.
+ Đối với các bến khách ngang sông:
Trên tuyến sông Lam 22 bến; Trên tuyến sông Giăng 01 bến.
+ Đối với các bến
khách dọc sông: Trên tuyến sông Lam 02 bến; Trên tuyến sông Hoàng Mai 04 bến; Trên tuyến sông Giăng 01 bến; Lòng hồ thủy điện Hủa Na
02 bến; Trên tuyến sông Nậm Nơn, Nậm
Mộ 03 bến.
- Các bến hàng hóa: Quy hoạch 200 bến. Trên
tuyến sông Lam là 105 bến; Trên tuyến sông Giăng là 02 bến;
Trên tuyến sông Con là 27 bến; Trên tuyến sông Hiếu là 23
bến; Trên tuyến sông Hoàng Mai là 04 bến; Trên tuyến kênh
Vinh-Nam Đàn là 12 bến; Trên tuyến kênh Nhà Lê là 24 bến; Trên tuyến sông Cấm
là 03 bến.
Cụ thể phân kỳ như sau:
+ Giai đoạn 2016-2020: Quy hoạch 120
bến (trong đó bao gồm 34 bến đã được cấp phép). Cụ thể: Trên tuyến sông Lam: 67
bến; Trên tuyến sông Giăng: 01 bến; Trên tuyến sông Con:
13 bến; Trên tuyến sông Hiếu: 12 bến; Trên tuyến sông
Hoàng Mai: 02 bến; Trên tuyến kênh Vinh - Nam Đàn: 08 bến;
Trên tuyến kênh Nhà Lê: 14 bến; Trên tuyến sông Cấm: 03 bến.
+ Giai đoạn 2020-2030: Quy hoạch 80 bến. Cụ thể: Trên tuyến sông Lam: 38 bến; Trên
tuyến sông Giăng: 01 bến; Trên tuyến sông Con: 14 bến; Trên tuyến sông Hiếu: 11
bến; Trên tuyến sông Hoàng Mai: 02 bến; Trên tuyến kênh
Vinh Nam Đàn: 04 bến; Trên tuyến kênh Nhà Lê: 10 bến.
- Các bến chuyên dùng: Quy hoạch 03 bến
sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Việc đầu tư, nâng cấp các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền về lâu dài là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu
ngày càng cao của vận tải thủy. Cụ thể: Trên tuyến Kênh Nhà Lê 01 bến; cửa
Lạch Thơi 01 bến; cửa Lạch Quèn 01 bến.
- Các bến tổng hợp:
Bến tổng hợp là bến vừa xếp dỡ hàng hóa, vừa đón trả khách và thực hiện các dịch
vụ khác. Quy hoạch từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030, bến tổng hợp là 01 bến trên tuyến sông Lam.
(Chi
tiết có phụ lục 01, 02,
03, 04 kèm theo)
IV. DANH MỤC ƯU
TIÊN ĐẦU TƯ:
Tổng cộng: 1.574 tỷ đồng.
Trong đó:
- Nâng cấp luồng tuyến: 132 tỷ đồng
- Nâng cấp, xây dựng cảng: 1.125 tỷ đồng
- Đầu tư, xây dựng bến: 180,7 tỷ đồng
- Quản lý, bảo
trì luồng tuyến: 136,3 tỷ đồng
(Chi
tiết có phụ lục 05 kèm
theo)
2. Phân kỳ đầu tư:
2.1. Giai đoạn 2016-2020
- Tổng kinh phí: 678,4 tỷ đồng (Nguồn vốn: ngân sách trung ương 90,2 tỷ đồng;
ngân sách địa phương 27,6 tỷ đồng; vốn xã hội hóa 230,6 tỷ đồng; vốn khác 330 tỷ đồng).
- Cải tạo, chỉnh
trị nạo vét các tuyến quan trọng như: sông Lam (Bến Thủy - trạm thủy văn Dừa), kênh nhà Lê (đoạn Bến
Thủy - ngã ba sông Cấm), các sông nối
với các cửa biển như Lạch Vạn, Lạch Thơi, Lạch Quèn...
- Tăng cường đầu tư, quản lý các tuyến đường thủy nội địa, các cửa biển như: Lắp đặt hệ thống biển báo, đèn
tín hiệu, đèn Hải Đăng...
- Đầu tư, nâng cấp một số cảng như: Cửa
Quèn, Cửa Vạn, Cửa Cờn, Cửa Hội…
2.2. Giai đoạn 2020-2030
- Tổng kinh phí ước tính là: 895,6 tỷ
đồng (Nguồn vốn: ngân sách trung ương 126,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 67,0
tỷ đồng; vốn xã hội hóa 247,1 tỷ đồng; vốn khác 455 tỷ đồng).
- Duy trì thực
hiện công tác quản lý, bảo trì trên các tuyến sông quản lý.
- Tiếp tục cải tạo, chỉnh trị nạo vét
các tuyến quan trọng như: Sông Lam (trạm thủy văn Dừa đến thị trấn Con Cuông),
Kênh nhà Lê (đoạn sông Cấm - khe nước
Lạnh), kênh đào Âu vóm cóc.
- Đầu tư, nâng cấp cảng Bến Thủy hiện tại thành cảng khách du lịch, cảng
hàng hóa Hưng Hòa, cảng than Nghi Xuân..
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp một số bến thủy nội địa theo nhu cầu thực tế.
V. CÁC GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Các giải pháp chính sách về quản
lý:
1.1. Chính sách đảm bảo nguồn
tài chính cho quản lý giao thông đường thủy
nội địa:
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp một số bến
thủy nội địa theo nhu cầu thực tế
- Chính sách đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động quản lý giao thông ĐTNĐ là điều
kiện tiên quyết để tiếp tục thực hiện các chính sách và giải pháp khác.
- Cần phải có chính sách duy trì nguồn
tài chính cho công tác quản lý nhà nước về giao thông ĐTNĐ (gồm có chi trả lương nhân sự, chi thường xuyên cho hoạt động của đơn vị quản lý trực
tiếp, các khoản chi cho điều tra thống kê,…)
1.2. Chính sách tăng cường quản lý thường
xuyên đối với giao thông ĐTNĐ:
- Tăng cường quản lý thường xuyên đối
với giao thông ĐTNĐ trước hết là phải thành lập đơn vị chuyên ngành quản lý giao thông ĐTNĐ theo mô hình các trạm quản lý giao thông ĐTNĐ để tăng cường chức năng quản lý nhà nước. Một số tỉnh
đã thành lập các trạm quản lý giao thông ĐTNĐ và đã có những
kết quả nhất định đối với phát triển giao thông ĐTNĐ. Việc hình thành một đơn vị
quản lý chuyên trách về giao thông ĐTNĐ sẽ giúp cho công tác quản lý được thường
xuyên và chuyên nghiệp hơn.
- Quản lý thường xuyên đối với giao thông ĐTNĐ là bao gồm công tác kiểm
tra, thống kê, báo cáo thường xuyên đối với các biến động về kết cấu hạ tầng,
phương tiện, lưu lượng, vận tải. Công tác này đòi hỏi một
chế độ chính sách cụ thể đối với từng điều kiện giao thông và nhân sự của địa
phương, trong đó có chính sách phát
triển nguồn nhân lực.
1.3. Chính sách quản lý và thực hiện theo
đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển giao
thông ĐTNĐ:
- Nghiên cứu và
nắm vững quy hoạch của ngành đã được phê duyệt, đồng thời bám sát các đề xuất
thay đổi bổ sung liên quan. Chính sách này phải được quán
triệt tới các cán bộ quản lý trực tiếp.
- Đối với các hạng mục do trung ương
quản lý, cần thường xuyên phối hợp với
Cục đường thủy nội địa Việt Nam để nắm bắt các chủ trương và hoạt động để chủ động
phối hợp các hoạt động của địa phương.
- Quản lý đầu tư cải tạo, nâng cấp,
xây dựng mới luồng tuyến giao thông thủy nội địa, cảng, bến của địa
phương phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch. Trong trường hợp chưa có trong quy hoạch
thì phải nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đảm bảo phù hợp quy hoạch
chung, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí và bảo đảm tính thống nhất từ trung ương xuống địa phương.
- Các công trình vượt sông, thủy lợi
liên quan như cầu đường bộ, đường sắt, đường dây điện, cống
ngăn nước, lấy nước... phải đảm bảo
phù hợp với cấp ĐTNĐ quy hoạch.
1.4. Chính sách phát triển nguồn
nhân lực quản lý giao thông đường thủy nội địa:
- Nâng cao chất lượng chuyên môn đội
ngũ cán bộ quản lý giao thông ĐTNĐ. Giải quyết sự thiếu hụt
thực tế chưa có cán bộ chuyên môn về giao thông đường sông
bằng các giải pháp tuyển dụng cán bộ đúng chuyên môn hoặc
cử đi đào tạo theo các hình thức tại chức, ngắn hạn. Ngoài
ra, duy trì chế độ báo báo thường xuyên cũng là một giải pháp đào tạo thực
hành.
- Đồng thời với nâng cao chất lượng
chuyên môn đội ngũ cán bộ quản lý giao thông ĐTNĐ là nâng
cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ điều khiển phương tiện
ĐTNĐ, thuyền viên. Đây chính là chính sách phát triển đồng bộ và bền vững đối với giao thông ĐTNĐ. Chính sách này phải được quán triệt trên
tinh thần quản lý trên cơ sở hiểu biết và tự giác.
- Chính sách đào tạo chuyên ngành và
cấp chứng chỉ chuyên môn phải linh hoạt, phù hợp thực tế, điều kiện từng địa
phương để đảm bảo hiệu quả đào tạo cũng như hiệu quả trên
thực tế. Tỉnh cần chủ động trong các công tác tổ chức đào tạo, có các chế độ tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên.
2. Các chính sách về thu hút nguồn
vốn đầu tư phát triển giao thông vận tải thủy nội địa
Các nguồn vốn cho đầu tư phát triển có thể chia theo các loại sau:
- Vốn ngân sách (thu ngân sách, vốn vay trong nước, vay nước ngoài, tài trợ);
- Vốn đầu tư của doanh nghiệp trong
nước;
- Vốn đầu tư của doanh nghiệp nước
ngoài;
- Nguồn thu hoàn vốn đầu tư (các loại
phí, thu từ dự án BOT);
- Vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá
nhân.
2.1. Đối với vốn đầu tư hạ tầng tuyến:
- Vốn từ ngân sách được xác định là
nguồn chính đầu tư cho phát triển hạ tầng tuyến. Các hạng
mục đầu tư thường là nạo vét luồng lạch, chỉnh trị luồng, chống sạt lở, hệ thống thông tin, phao tiêu báo hiệu,... Đầu tư cho hạ tầng tuyến luôn là gánh nặng cho ngân sách vì lượng đầu
tư khá lớn trong khi nguồn thu trực tiếp từ khai thác bị hạn chế. Có thể áp dụng hình thức
đầu tư dự án BOT đối với công trình xây dựng tuyến ĐTNĐ để thu hoàn vốn. Hình
thức thu phí hoàn vốn đối với phương tiện giao thông thủy
sẽ khó khăn hơn nhiều so với phương
tiện giao thông đường bộ do đặc điểm kỹ thuật của phương tiện. Dự án BOT hạ tầng
giao thông ĐTNĐ chỉ nên áp dụng đối với các tuyến có tính
độc đáo.
2.2. Đối với vốn đầu tư phương
tiện vận tải thủy:
- Vốn đầu tư phương tiện vận tải thủy do các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tự đầu
tư theo nhu cầu của thị trường và khả năng của mỗi doanh nghiệp và cá nhân. Nhà nước và đặc biệt là tỉnh sẽ tạo điều kiện
thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với các công việc như xác
nhận hiệu quả dự án, bảo đảm vay vốn, hỗ trợ thủ tục đăng
ký, đăng kiểm,… đặc biệt Nhà nước cần có cơ chế chính sách
vay vốn ưu đãi đối với việc phát triển vận tải thủy với chất
lượng cao và tính năng kỹ thuật an toàn.
2.3. Đối với vốn đầu tư cảng, bến:
- Đầu tư cho cảng, bến có thể huy động
được nhiều nguồn vốn nhất, cụ thể như vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, vốn BOT,
BT và các nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân.
+ Đối với các công trình cảng, bến
chuyên dùng thì nguồn vốn được xác định là từ doanh nghiệp. Nhà nước chỉ tạo điều
kiện về định hướng quy hoạch, hỗ trợ các thủ tục hành chính, hỗ trợ giải phóng
mặt bằng cho các doanh nghiệp triển khai giải ngân nhanh chóng, hiệu quả.
+ Đối với các bến hàng hóa, hành khách quan trọng tại các trung tâm huyện, cần có nguồn vốn hỗ trợ một phần từ ngân sách để làm động lực và kích cầu các doanh
nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và thu hồi vốn qua thu phí.
Điều 2. Quản lý
và tổ chức thực hiện quy hoạch:
1. Sở Giao thông vận tải:
- Căn cứ Quy hoạch phát triển giao
thông đường thủy nội địa tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được
phê duyệt, tổ chức công bố, phổ biến quy hoạch này để các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân được biết để triển khai thực hiện.
- Theo dõi thống kê thường xuyên và
duy trì chế độ báo cáo thường xuyên về giao thông ĐTNĐ
theo quy định.
- Tranh thủ các nguồn lực từ ngân
sách và các nguồn từ doanh nghiệp để lập các phương án quy hoạch, thiết kế chi
tiết để giới thiệu với các nhà đầu tư tiềm năng về dự án, tạo điều kiện triển
khai thu hút đầu tư.
2. Các Sở, ban,
ngành, các địa phương của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối
hợp với Sở Giao thông vận tải trong việc thực hiện quy hoạch, đảm bảo sự thống nhất giữa Quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa
tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các
Quy hoạch khác có liên quan.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc
các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường,
Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông
tin & Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các
cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GTVT;
- Cục ĐTNĐ;
- Chủ tịch,
các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP, các PVP
UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN (A).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đường
|