Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2013 tăng cường thực hiện giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 20/CT-TTg
Ngày ban hành 03/10/2013
Ngày có hiệu lực 03/10/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20/CT-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM NGĂN CHẶN TAI NẠN GIAO THÔNG HÀNG HẢI VÀ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Từ đầu năm 2013 đến nay, mặc dù các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong hoạt động giao thông hàng hải và đường thủy nội địa, số vụ tai nạn và số người bị thương tuy có giảm nhưng số người chết tăng cao. Trong thời gian gần đây, liên tiếp đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do tàu biển, phương tiện thủy nội địa, ca nô cao tốc và tàu đánh bắt thủy sản gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn hàng hải, giao thông đường thủy nội địa, chở quá số người quy định; công tác quản lý nhà nước không đảm bảo, chưa thực hiện nghiêm việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Để ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông hàng hải, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Giao thông vận tải:

a) Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông hàng hải và đường thủy nội địa, đặc biệt là các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn kết cấu hạ tầng, điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển và vận tải đường thủy nội địa, công tác đăng kiểm an toàn kỹ thuật, đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho các chức danh trên tàu. Siết chặt các điều kiện về an toàn trong hoạt động vận tải bằng tàu cao tốc, đặc biệt là tàu cao tốc cánh ngầm, đồng thời có quy định cụ thể về niên hạn sử dụng tàu cao tốc.

b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý vận tải, đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, đăng ký, đăng kiểm tàu biển, phương tiện vận tải thủy nội địa; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với chủ tàu, chủ phương tiện không thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm theo quy định, để xảy ra tai nạn hàng hải, đường thủy nội địa nghiêm trọng; chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa tuyệt đối không cho phép tàu, thuyền xuất bến khi chủ tàu không tuân thủ các quy định về an toàn và các quy định khác của pháp luật.

c) Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị quản lý, khai thác cảng, bến, luồng tàu, phương tiện trong vận tải hàng hải và đường thủy nội địa; yêu cầu các Chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát việc bảo đảm an toàn đối với các công trình hàng hải và đường thủy nội địa đang khai thác và thi công. Xử lý nghiêm vi phạm, đình chỉ thi công đối với các nhà thầu không thực hiện quy định về bảo đảm an toàn; để xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại các công trình đang thi công; xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa.

d) Chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa trong mùa mưa bão, lũ, nhất là an toàn đối với phương tiện chở khách ngang sông, bến khách ngang sông, bến khách trong lòng hồ, tàu khách du lịch, nhà hàng nổi, tàu cao tốc (cánh ngầm).

2. Bộ Công an:

a) Chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với Thanh tra giao thông và lực lượng Biên phòng, huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, đẩy mạnh tuần tra lưu động, tập trung xử lý vi phạm liên quan đến phương tiện thủy nội địa có nguy cơ gây tai nạn cao như: chở quá tải, quá số người theo quy định, vi phạm quy định về trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa,...

b) Chỉ đạo công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, khởi tố để sớm đưa ra xét xử một số trường hợp vi phạm điển hình trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác bảo đảm an toàn đối với người và tàu đánh bắt thủy sản; tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát người điều khiển tàu đánh bắt thủy sản phải thực hiện nghiêm các quy định về báo hiệu, cảnh giới khi hành trình và đánh bắt thủy, hải sản, đặc biệt là vào ban đêm; tổ chức thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm tàu đánh bắt thủy sản, đăng ký thuyền viên và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo thẩm quyền; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm đối với các loại tàu đánh bắt thủy sản và đăng ký thuyền viên theo quy định.

4. Bộ Quốc phòng:

a) Chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an và các ngành có liên quan, chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự trong khu vực cửa khẩu cảng biển theo quy định của pháp luật.

b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương hướng dẫn, tổ chức cho các thuyền viên bắn pháo hiệu báo bão ở các cửa lạch, cảng, bến cá, ngư trường trọng điểm khi có bão; chỉ đạo lực lượng biên phòng, Cảnh sát biển, phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho người và tàu đánh bắt thủy sản đi biển nếu chưa có đủ trang thiết bị an toàn, kịp thời ứng cứu người và phương tiện trong các trường hợp cần thiết.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương theo chức năng được giao, có trách nhiệm thu nhận, theo dõi và thông báo kịp thời các thông tin về khí tượng, thủy văn liên quan đến hoạt động hàng hải và giao thông đường thủy nội địa.

6. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội:

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn lao động, việc thực hiện các chế độ tiền lương và các chế độ đãi ngộ cho người lao động làm việc trên các phương tiện hàng hải, đường thủy nội địa, tàu đánh bắt thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực giao thông hàng hải và đường thủy nội địa trên địa bàn, đặc biệt là công tác quản lý điều hành hoạt động của bến khách ngang sông, vận tải khách du lịch.

b) Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến giáo dục về trật tự an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa, nhất là cảnh báo các nguy cơ tai nạn đối với phương tiện thủy gia dụng và đuối nước.

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn. Kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đò ngang trên địa bàn quản lý.

8. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức Đoàn thể Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn hàng hải và giao thông đường thủy nội địa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Vận tải thủy Việt Nam tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn hàng hải và giao thông đường thủy nội địa đến các chủ tàu, chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đường biển và đường thủy nội địa.

9. Các Bộ, Ban, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra công vụ và tổ chức kiểm tra các đơn vị, cán bộ công chức thuộc lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải, giao thông đường thủy nội địa, đánh bắt thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong thực thi công vụ, đặc biệt là những trường hợp tiếp tay, bao che, dung túng các sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.

10. Bộ trưởng các Bộ, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

[...]