Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 524/KH-UBND năm 2018 về chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn huyện Anh Sơn giai đoạn 2018-2020 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 524/KH-UBND
Ngày ban hành 06/08/2018
Ngày có hiệu lực 06/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Xuân Đại
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 524/KH-UBND

Nghệ An, ngày 06 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ KINH DOANH CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ANH SƠN GIAI ĐOẠN 2018-2020

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11, ngày 14/6/2005;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26/11/2013;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ; Số 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ; Số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 72/2016/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

Căn cứ Quyết định số 73/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về Quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

Căn cứ Quyết định 1756/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án phát triển chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 80/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Nghệ An quy định giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý chợ từ Ban quản lý hoặc Tổ quản lý giao khoán cá nhân sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý nhằm phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động của chợ trong việc quản lý, mở rộng trao đổi, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa và tăng thu ngân sách, phát triển thị trường trong mối liên hệ thống nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân địa phương.

- Tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh khai thác và quản lý chợ chủ động khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của chợ để đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, khai thác; đồng thời, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về hoạt động của chợ.

2. Yêu cầu

- Quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; đảm bảo công khai, minh bạch theo kế hoạch được duyệt, nhằm đảm bảo ổn định xã hội và phù hợp với quy hoạch, quy mô, tính chất của từng chợ; bảo đảm chợ hoạt động ổn định và phát triển.

- Đối tượng chuyển đổi là chợ tại thị trấn, các chợ thuộc các xã hoạt động kinh doanh hiệu quả thực hiện chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác, quản lý chợ.

- Việc chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ phải được sự đồng thuận của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang kinh doanh tại chợ; đảm bảo hoạt động của chợ không làm ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ; phục vụ tốt hơn nhu cầu mua, bán của nhân dân.

- Phải đảm bảo chế độ quyền lợi của người lao động thuộc Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ và quyền lợi của các thương nhân kinh doanh trong chợ; đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và hiệu quả kinh tế - xã hội của các chợ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý. Quá trình thực hiện có đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng.

III. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN

- Hiện tại, trên địa bàn huyện Anh Sơn có 21 chợ, trong đó có 1 chợ Hạng 1 và 20 chợ hạng 3 (Quyết định 7099/QĐ.UBND-CNTM ngày 17/12/2014 của UBND tỉnh Nghệ An); tổng diện tích đất chợ trên 69.200,7 m2; có 57% chợ được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, còn lại là chợ lán tạm và đất trống đang chuẩn bị đầu tư xây dựng. Mô hình quản lý chủ yếu là Ban quản lý, tổ quản lý, khoán do UBND xã, thị trấn trực tiếp quản lý.

- Một số chợ có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp, không đồng bộ, diện tích khai thác kinh doanh chợ không đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân, lối đi hẹp, thiếu hệ thống các công trình phụ (nhà vệ sinh, bãi đậu xe,...), chưa đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông.

- Việc quản lý chợ và điều hành hoạt động của chợ còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý, Tổ quản lý chợ chưa được phát huy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu; các quy định của pháp luật về thuế, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ, chống hàng giả, hàng nhái,... thực hiện chưa tốt.

- Tại một số chợ, số tiền thu phí chợ không đủ bù đắp các khoản chi phí, khấu hao và phục vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ. Một số chợ đã được nhà nước hỗ trợ đầu tư lớn nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả; vẫn tồn tại các chợ tạm, chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến quá trình chỉnh trang đô thị, nếp sống văn minh,...

- Thực trạng cụ thể đối với các chợ chuyển đổi trong giai đoạn 2018-2020:

* Chợ Tường Sơn:

+ Vị trí: Tại Thôn 5 xã Tường Sơn, cách QL7 khoảng 100m.

[...]