Kế hoạch 5025/KH-UBND năm 2016 phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 5025/KH-UBND
Ngày ban hành 03/11/2016
Ngày có hiệu lực 03/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5025/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 3 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 21/01/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ kết quả phát triển làng nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020. Nội dung cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

- Công tác quản lý điều hành: Tỉnh Phú Thọ sớm phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch tổng thể về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, Chương trình bảo tồn làng nghề trên địa bàn tỉnh và ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo điều hành, thường xuyên hướng dẫn, tăng cường quản lý về làng nghề, ngành nghề nông thôn;

- Công tác thông tin tuyên truyền: Thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền về phát triển làng nghề nông thôn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Đài PT và TH tỉnh, Báo), khẩu hiệu, tờ rơi, các hội nghị, hội thảo...;

- Công tác đào tạo, tập huấn, ứng dụng khoa học công nghệ: Công tác đào tạo nghề cho lao động trong làng nghề được chú trọng triển khai nhằm trang bị những kiến thức cơ bản nhất trong quá trình làm nghề, công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm thực hiện thông qua các chương trình: khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới...;

- Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm: Hàng năm các làng nghề phát triển tốt, có các sản phẩm tiêu biểu đều được lựa chọn tham gia các Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Qua đó nhiều làng nghề đã tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề;

- Công tác kiểm tra, giám sát: Phát triển làng nghề nông thôn thường xuyên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách phù hợp với địa phương;

- Công tác thẩm định, xét công nhận làng nghề nông thôn: Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên quyết định kiện toàn Hội đồng thẩm định xét cấp bằng công nhận làng nghề nông thôn với thành viên Hội đồng là lãnh đạo các sở, ngành liên quan; Hội đồng đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc khảo sát, thẩm định, đề nghị công nhận mới các làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC LÀNG NGHỀ NÔNG THÔN

1. Tình hình hoạt động của các làng nghề

Đến hết năm 2015 toàn tỉnh có 69 làng nghề nông thôn được công nhận; tổng số lao động trong các làng nghề là 30.740 lao động (tăng 14.550 lao động so với năm 2011); tổng doanh thu của các làng nghề là 1.141,15 tỷ đồng. Các làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh có 4 nhóm chính:

- Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản: Hết năm 2015, có 38 làng nghề (tăng 21 làng nghề so với năm 2011), có 16.685 lao động tham gia hoạt động nghề (tăng 9.512 lao động so với năm 2011). Các sản phẩm chủ yếu như: Chè đen, chè xanh, bún, mì, bánh các loại...; tổng doanh thu của các làng nghề đạt 452,75 tỷ đồng(1); thu nhập bình quân của người lao động đạt 2 triệu đồng/người/tháng;

- Nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ (đồ gỗ, mây tre đan, dệt may...): Hết năm 2015 có 20 làng nghề (tăng 4 làng so với năm 2011), có 10.125 lao động tham gia hoạt động nghề (tăng 2.248 lao động so với năm 2011). Các sản phẩm chủ yếu như: Đồ mộc gia dụng, nón lá truyền thống, quần áo thổ cẩm, ván ép...; tổng doanh thu của các làng nghề trong nhóm năm 2015 đạt 488,7 tỷ đồng([1]); thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng;

- Nhóm làng nghề xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng: Hết năm 2015 có 2 làng nghề; có 370 lao động tham gia hoạt động nghề, sản phẩm chủ yếu là: Vật liệu xây dựng, dịch vụ xây dựng...; tổng doanh thu của các làng nghề trong nhóm năm 2015 đạt 21 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt 4 triệu đồng/người/tháng;

- Nhóm làng nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh: Hết năm 2015 có 9 làng nghề (tăng 7 làng nghề so với năm 2011), có 3.560 lao động tham gia hoạt động nghề (tăng 2.790 lao động so với năm 2011), sản phẩm chính là: Hoa, cây cảnh...; tổng doanh thu của các làng nghề trong nhóm năm 2015 đạt 178,7 tỷ đồng(2); thu nhập bình quân của người lao động đạt 3 triệu đồng/người/tháng.

(Chi tiết các làng nghề có Phụ lục I, II đính kèm)

2. Kết quả hỗ trợ phát triển làng nghề nông thôn

- Hỗ trợ công nhận 32 làng nghề mới với tổng kinh phí 1.000 triệu đồng;

- Hỗ trợ 60 lượt làng nghề tham gia trưng bầy, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại tại các Hội chợ với tổng kinh phí hỗ trợ 640 triệu đồng;

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.169 lao động trong làng nghề, kinh phí hỗ trợ là 4.620 triệu đồng;

- Hỗ trợ các làng nghề về máy móc, trang thiết bị, phát triển sản xuất, xây dựng nhãn hiệu thông qua các chương trình: Xây dựng nông thôn mới, khuyến nông, 135, 30a... với tổng kinh phí 5.680 triệu đồng.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

[...]