Quyết định 11/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển làng nghề và làng có nghề trên địa bàn miền Tây Nghệ An đến 2020

Số hiệu 11/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/01/2018
Ngày có hiệu lực 03/01/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Đinh Viết Hồng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 03 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ VÀ LÀNG CÓ NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN MIỀN TÂY NGHỆ AN ĐẾN 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13;

Căn cứ Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Công thương tại Công văn số 1912/SCT-KHTCTH ngày 29/11/2017 về việc phê duyệt Đề án Phát triển làng nghề và làng có nghề trên địa bàn miền Tây Nghệ An đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển làng nghề và làng có nghề trên địa bàn miền Tây Nghệ An đến 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển làng nghề và làng có nghề phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế miền Tây phát triển bền vững.

- Phát triển làng nghề, làng có nghề phải gắn với phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

- Bảo tồn và phát triển làng nghề, làng có nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, tập quán của từng địa phương cùng cới sự tham gia của cộng đồng gắn với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền với công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống vừa phải tinh xảo mang tính thương mại cao.

- Song song với việc bảo tồn cần tập trung khôi phục, phát triển các nghề, làng có nghề có nhiều tiều năng và lợi thế so sánh về nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng canh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động…nhằm góp phần tạo việc làm để nâng cao đời sống và thu nhập cho cư dân ở các huyện miền Tây.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng gía trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An theo hướng bền vững, phát huy tốt bản sắc văn hóa các dân tộc gắn liền với xây xựng nông thôn mới.

- Phát triển làng nghề và làng có nghề miền Tây trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; đồng thời chọn lọc, lựa chọn phát triển làng nghề và làng có nghề của các địa phương có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và gắn với việc bảo vệ môi trường, đồng thời quan tâm bảo tồn một số làng nghề gắn với phát triển dịch vụ du lịch.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất của làng nghề, làng có nghề trên địa bàn miền Tây chiếm 30-40% giá trị sản xuất làng toàn tỉnh.

- Đến năm 2020 tạo được việc làm 8.000 cho lao động trên địa bàn miền Tây; tỷ lệ qua các hình thức đào tạo ngăn, dài ngày đạt 58%; đến năm 2025 tạo việc làm khoảng 10.000 lao động, tỷ lệ qua đào tạo đạt 72%.

- Xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, làng có nghề; 100% các cụm, điểm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý chất thải tập trung đạt chuẩn.

- Giai đoạn 2017- 2020 có thêm 54 làng nghề; đến năm 2025 công nhận thêm 17 làng nghề.

3. Định hướng phát triển

3.1. Bảo tồn, phát triển các làng nghề và làng có nghề có giá trị truyền thống

a) Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa

Tiếp tục duy trì và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở các làng có điều kiện trên địa bàn. Chú trọng phát triển mô hình sản xuất làng nghề dâu tằm tơ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất, lao động, tay nghề. Tập trung đầu tư giống mới với năng suất cao (cả giống tằm và giống dâu), kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm ươm tơ, làm tơ xe và dệt lụa.

- Mục tiêu: Sản lượng lượng tơ sản xuất tại các làng nghề đạt 200-250 tấn, GTXS đạt 3-5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động.

- Kế hoạch phát triển: Khuyến khích phát triển nghề dâu tằm tơ ở huyện Tân Kỳ (xã Nghĩa Đồng); huyện Quỳ Hợp (xã Châu Cường).

[...]