ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
5024/KH-UBND
|
Phú Thọ,
ngày 3 tháng 11 năm 2016
|
KẾ
HOẠCH
PHÁT
TRIỂN CHÈ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Căn cứ Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND
ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn
tỉnh giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày
21/01/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm
nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ kết quả phát triển chè giai
đoạn 2011 - 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển chè trên
địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung cụ thể như sau:
Phần I
ĐÁNH
GIÁ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN CHÈ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
I. KẾT QUẢ
ĐẠT ĐƯỢC
Chương trình phát triển chè giai đoạn
2011 - 2015 là một trong 4 chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh đã được
các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo: UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát
triển sản xuất chè tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; ban hành Kế hoạch
triển khai và chính sách hỗ trợ các chương trình nông nghiệp giai đoạn 2012 -
2015. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác chỉ đạo phát triển chè
(ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phát triển chè, kế hoạch trồng
cây che bóng cho chè). Các địa phương đã tích cực phối hợp chặt chẽ với ngành
nông nghiệp để chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chè, một số địa phương đã ban hành
chính sách hỗ trợ phát triển chè trên địa bàn. Kết quả phát triển chè giai đoạn
2011 - 2015 như sau:
1. Về sản xuất
- Diện tích, năng suất, sản lượng: Đến năm 2015, diện tích chè toàn
tỉnh 16,5 nghìn ha, đạt 107% so với mục tiêu (15,5 nghìn ha); năng suất chè búp
tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 10,1 tấn/ha, đạt 106,4% so với
mục tiêu (9,5 tấn/ha); sản lượng chè búp tươi đạt 154,7 nghìn tấn, tăng 19% so với
mục tiêu
(130 - 135 nghìn tấn). Bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen bước đầu đã
hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh (trồng bằng các giống
LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...) tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan
Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa. Phú Thọ hiện đứng thứ 4 về diện tích, thứ 3
về sản lượng chè trong số các tỉnh sản xuất chè của cả nước;
- Về kỹ thuật: Trong 5 năm, đã thực
hiện trồng mới, trồng lại 2,36 nghìn ha, nâng tỷ lệ diện tích các giống chè mới
lên 71,5% (mục tiêu 70%). Tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật
trong sản xuất chè như: Thiết kế đồi chè chống xói mòn; trồng cây che bóng, bón
phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, mở rộng diện tích sản xuất chè
theo quy trình an toàn đạt 3,98 nghìn ha (trong đó, đạt tiêu
chuẩn RFA,
UTZ 1,95 nghìn ha);
đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa khâu đốn, hái, phun thuốc bảo vệ thực vật, đến nay toàn tỉnh đã
có khoảng 2.087 máy hái chè,
1.416 máy đốn chè,
1.807 máy phun thuốc bằng động cơ và khoảng 56,3% diện tích chè
hái bằng máy và 80%
diện tích chè được đốn bằng máy;
- Liên kết sản xuất: Ngoài các
doanh nghiệp, đơn vị có diện tích đất sản xuất chè (Công ty chè Phú Đa, Công ty
chè Phú Bền, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc...), đã
có một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết thu mua chè búp tươi với số
lượng khoảng 12 - 15 nghìn tấn/năm. Diện tích liên kết thu mua sản phẩm chè búp
tươi đạt khoảng 15 - 20%.
(Có Phụ lục I chi
tiết kèm theo)
2. Chế biến và tiêu
thụ
- Chế biến: Toàn tỉnh hiện có 59
cơ sở
chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; có 1.281 cơ sở chế biến chè
thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 08 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Sản lượng chè chế biến năm 2015 đạt 55 ngàn
tấn. Cơ
cấu sản phẩm chè xanh chiếm khoảng 30%, chè đen chiếm 70%; đang từng
bước xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, Phú Hộ
trà; hình thành 15 làng nghề sản xuất, chế biến chè xanh (Làng nghề chè chùa
Tà, làng nghề chế biến chè Ngọc Đồng, Hoàng Văn, làng nghề sản xuất chè Phú
Thịnh,...);
- Tiêu thụ: Sản phẩm
chè của Phú Thọ xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc,
Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…, sản lượng chè xuất khẩu năm 2015 đạt 17,5 ngàn tấn,
kim
ngạch xuất khẩu đạt 25,8 triệu USD (tăng 10,9 triệu USD so năm 2010).
(Có Phụ lục III, IV
chi tiết kèm theo)
3.
Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên chè
Tăng cường công tác
phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy định về quản lý an toàn thực phẩm trong
sản xuất, chế biến cho các cơ sở, người sản xuất biết và thực hiện. Đến hết năm
2015, đã có 1.373 người là chủ công ty, doanh nghiệp, người trực tiếp chế biến
chè được cấp xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; 50/59 cơ sở được cấp giấy
chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sơ chế, chế biến
chè. Đã
tiến hành kiểm tra, đánh giá, phân loại, kiểm tra định kỳ điều kiện đảm bảo
chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến chè trên địa bàn.
Năm 2015, tổng số cơ sở xếp loại A, B là 86,4% (51 cơ sở) và loại C là 5,08% (3
cơ sở); cơ sở dừng hoạt động: 05 cơ sở. Có 20/59
cơ sở chế biến (chiếm 34%) có cơ sở hạ tầng, dây chuyền thiết bị, công nghệ
được đầu tư mới, đồng bộ, đã đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam, đã áp dụng hệ
thống quản lý chất lượng ISO, HACCP.
4.
Thực hiện chính sách hỗ trợ: Trong 5 năm, đã có trên 10,3 nghìn
hộ, tổ chức được hưởng lợi, với tổng kinh phí 10,7 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 9,75
tỷ đồng, ngân sách huyện 0,95 tỷ đồng).
II. TỒN TẠI,
HẠN CHẾ
- Quy mô sản xuất nhỏ (toàn tỉnh
có 54.255 hộ trồng chè, diện tích bình quân khoảng 0,3 - 0,4 ha/hộ; số hộ có 2
ha trở lên là 457 hộ, số hộ có 5 ha trở lên có 24 hộ. Việc áp dụng quy
trình kỹ thuật (bón phân, trồng cây che bóng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,
đốn, hái, …) còn nhiều bất cập dẫn đến năng suất, chất lượng chè vùng người dân
canh tác còn thấp, có sự chênh lệch lớn với doanh nghiệp; việc sử dụng máy hái
chè không đúng kỹ thuật ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển bền vững của cây
chè. Trên địa bàn hiện có 10 giống chè mới trồng xen kẽ trên một vùng nguyên
liệu do đó chưa khai thác tính ưu việt về chất lượng của từng giống; diện tích
chè chất lượng cao còn ít (chiếm 2,18%). Việc đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông,
thủy lợi,…) còn hạn chế. Mối liên kết giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến
còn lỏng lẻo;
- Các hộ nông dân trồng chè còn mang
nặng tập quán, tâm lý sản xuất nhỏ, nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa,
liên kết sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế;
- Trên 80% số cơ sở
chế biến chỉ sản xuất bán thành phẩm, sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô, không
có nhãn mác, thương hiệu nên giá bán thấp; trên 60% cơ sở chế
biến không có vùng nguyên liệu hoặc có nhưng không đủ sản xuất; trên 45% cơ
sở chế biến có thiết bị, công nghệ lạc hậu, dây chuyền được cải tạo và nâng cấp
thêm nên thiếu sự đồng bộ. Cơ cấu sản phẩm chủ yếu là chè đen CTC, OTD; cơ cấu
chè xanh, chè chất lượng cao còn ít;
- Ý
thức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến chè về vấn đề vệ sinh an toàn
thực phẩm còn hạn chế; việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu chè búp tươi chưa
được quan tâm, chú trọng. Việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn chủ
yếu mới áp dụng các công ty có vùng nguyên liệu hoặc các dự án triển khai có sự
hỗ trợ của nhà nước.
Phần II
KẾ
HOẠCH PHÁT TRIỂN CHÈ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I. DỰ BÁO
NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Thuận
lợi
- Việt Nam tham gia tổ chức WTO, hội nhập
ASEAN, AFTA và đang trong quá trình hội nhập TPP là điều kiện thuận lợi cho ngành Chè
mở rộng thị trường nếu sản phẩm chè có chất lượng tốt, đặc biệt là sản phẩm
chè an toàn. Với
dân số trên 90 triệu người, thị trường nội tiêu là chè xanh truyền thống sẽ hứa
hẹn nhiều triển vọng, nếu có chiến lược khai thác hợp lý, kết hợp thế mạnh tiềm
năng của thị trường với văn hóa chè Việt;
- Phú Thọ có bộ giống chè phong phú,
hoàn chỉnh cho sản xuất chè xanh, chè đen, chè ô long… Người
dân Phú Thọ có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè;
- Trên địa bàn tỉnh
có các công ty có công nghệ thiết bị chế biến hiện đại, thị trường
xuất khẩu chè đen lớn; có cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu
trong cả nước về chè là điều kiện thuận lợi để chuyển giao các tiến
bộ kỹ thuật mới về giống, trồng trọt, chế biến và định hướng thị trường sản
phẩm;
- Tỉnh Phú
Thọ
xác định cây chè là cây trồng chủ lực và luôn quan tâm, có cơ chế, chính sách
khuyến khích phát triển sản xuất chè. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp,
thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và ban hành chính
sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách hỗ
trợ tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh trồng lại diện tích chè cằn xấu, năng
suất thấp bằng các giống chè chất lượng cao phù hợp với chế biến chè xanh.
2. Khó khăn
- Thách thức về hội nhập kinh tế quốc
tế ngày càng lớn, yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao của thị
trường về chất lượng sản phẩm trong khi công tác quản lý về an toàn thực phẩm
còn nhiều khó khăn, bất cập; sản phẩm chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh thấp,
giá trị không cao;
- Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún
gây khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, sản xuất,
chứng nhận chè an toàn và ký kết hợp đồng liên kết xây dựng vùng nguyên
liệu với doanh
nghiệp;
- Thời tiết diễn biến
phức
tạp,
bất thường gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển sản
xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất chè nói riêng còn hạn chế;
- Phần lớn sản
xuất chè ở Phú Thọ không được tổ chức theo chuỗi giá trị, nhiều cơ sở chế biến
không có vùng nguyên liệu; nhiều cơ sở chế biến nhỏ, công nghệ, thiết
bị lạc hậu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng
cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và
tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp các cơ sở chế biến; đổi mới thiết bị, công nghệ, đa
dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá
trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh và xây dựng
thương hiệu chè Phú Thọ.
2. Mục
tiêu cụ thể đến năm 2020
- Ổn định diện tích chè toàn tỉnh là 16,5
nghìn ha, năng
suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 110 tạ/ha, sản
lượng đạt 176 nghìn tấn; mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn phấn đấu đạt
trên 6,5 nghìn ha; trồng thay thế 1.500 ha bằng các giống chè mới, nâng tỷ lệ
chè giống mới đạt trên 80%, giá trị thu nhập bình quân đạt 70 - 80 triệu
đồng/ha;
- Rà soát, sắp xếp các cơ sở chế biến và
phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, phấn đấu đến năm 2020 có 100% cơ sở chế biến
có vùng nguyên liệu hoặc ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ
cho nhà máy hoạt động theo quy định hiện hành (tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia
về cơ sở chế biến chè, nhà máy chế biến chè); có trên 45% cơ sở chế biến chè
công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO, HCCP;
- Cơ cấu sản phẩm chè đen đạt 60%; chè xanh
và chè khác (chè ô long,
chè ướp hương, chè
đặc sản…)
đạt 40%; hỗ trợ 1 -
2 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.
(Có Phụ lục V, VI,
VII chi tiết kèm theo)
III. NHIỆM VỤ
VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Rà soát sắp xếp cơ
sở chế biến và tổ chức sản xuất
1.1. Rà soát, sắp xếp,
thực hiện phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến
- Rà soát, đánh giá năng lực, thiết
bị, công nghệ và khả năng cung cấp nguyên liệu của các cơ sở chế biến chè trên
địa bàn đảm bảo đáp ứng các quy định theo Quy chuẩn quốc gia về cơ sở chế biến
chè (QCVN 01-07:2009/BNNPTNT). Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở:
Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (các cơ sở chế biến xếp loại C nhắc nhở
2 lần không khắc phục); cơ sở không có vùng nguyên liệu hoặc không có hợp đồng
đầu tư thu mua nguyên liệu;
- Thực hiện quy hoạch, phân vùng
nguyên liệu gắn trách nhiệm của các cơ sở chế biến với việc đầu tư xây dựng
vùng nguyên liệu thông qua việc ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ
sản phẩm cho nông dân. UBND các huyện vùng chè chỉ đạo thực hiện việc phân vùng
nguyên liệu, ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa cơ sở,
doanh nghiệp chế biến và người trồng chè trên địa bàn (căn cứ công suất, năng
lực chế biến, tiêu thụ để phân vùng nguyên liệu đảm bảo đáp ứng ít nhất 80%
lượng nguyên liệu hàng năm của nhà máy đã thiết kế);
- Khuyến khích các cơ sở chế biến đầu
tư cải tiến, thay thế thiết bị công nghệ chế biến, hoàn thiện nhà xưởng, công
nghệ chế biến theo quy định; tiến hành thu mua nguyên liệu theo TCVN 2843-79
Chè đọt tươi - Yêu cầu kỹ thuật; xây dựng và
hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc
gia và quốc tế để
nâng cao chất lượng; đến năm 2020, có thêm 06 cơ sở chế biến công suất trên 1
tấn búp tươi/ngày thực hiện chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến
ISO, HACCP (Có
Phụ lục III chi tiết kèm theo);
- Đối với các cơ sở chế biến chè nhỏ
lẻ: Với cơ sở có tiềm năng, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đầu tư trang
thiết bị chế biến, đăng ký mẫu mã, bao bì sản phẩm. Vận động các cơ sở nhỏ lẻ
liên kết hoạt động trong các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các làng nghề; thực
hiện đăng ký kinh doanh để có sự quản lý kiểm tra, giám sát của các cơ quan
chức năng. Loại
bỏ các cơ sở sản xuất thủ công nhỏ lẻ (khoảng 35%) không đảm bảo vệ sinh
an toàn thực phẩm, không nằm trong vùng nguyên liệu chế biến chè công
nghiệp;
- Chỉ cấp phép đầu tư
xây dựng mới và mở rộng quy mô nhà máy chế biến chè đối với các chủ đầu tư
có vùng nguyên liệu đảm bảo đủ cho nhà máy hoạt động; có dây
chuyền thiết bị chế biến đồng bộ, hiện đại đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm.
Đẩy
mạnh thu
hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu, có công nghệ tiên tiến
trong chế biến chè xanh chất lượng cao, chế biến các sản phẩm thực phẩm cao cấp
từ chè.
1.2. Đẩy mạnh liên
kết sản xuất
- Tăng cường mối
liên kết,
hợp tác giữa
doanh nghiệp với người trồng chè từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thông qua
hợp đồng, hợp tác kinh doanh, gắn cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Tạo điều
kiện để người trồng chè tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè
(Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong hướng dẫn, quản lý, giám sát quy trình
kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm). Trong năm 2017, mỗi huyện vùng chè lựa chọn,
chỉ đạo điểm 1 - 2 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu
thụ sản phẩm để chỉ đạo nhân rộng trong những năm tiếp theo (thí điểm phân vùng
nguyên liệu ổn định);
- Tăng cường mô hình liên kết ngang giữa các hộ trồng chè thành hợp tác xã, tổ hợp tác,
câu lạc bộ hay nhóm liên minh để thuận lợi trong quá trình
sản xuất và tiêu thụ; liên kết giữa doanh nghiệp với các trang trại, hợp tác
xã trong
sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và giải quyết thị trường đầu ra cho sản
phẩm để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân;
- Đẩy mạnh vai trò hoạt
động của các hợp tác xã, làng nghề đã có và tiếp tục phát triển các hợp tác xã,
làng nghề, trang trại mới. Nhân rộng mô hình hợp tác xã trồng chè tại các
địa phương có các nhà máy chế biến chè công nghiệp hiện đại để đại diện cho
nông dân liên kết, liên doanh với doanh nghiệp. Xây dựng và nhân
rộng mô hình hợp tác xã, Tổ hợp tác dịch vụ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
cho vùng sản xuất chè tập trung. Tạo điều kiện cho nông hộ phát triển kinh tế
trang trại, mở rộng quy mô sản xuất. Đến năm 2020, phấn đấu hình thành mới 5 làng
nghề; 5 hợp tác xã; 16 trang trại sản xuất, chế biến chè (Có Phụ lục X
chi tiết kèm theo).
2. Tăng cường công
tác thông tin, tuyên truyền
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức các
cấp, ngành, nhân dân về chủ trương, chính sách phát triển cây chè:
Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030; Nghị quyết 08/NQ-TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác
dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp; chính
sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020;
các chương trình, kế hoạch về phát triển cây chè;
- Tăng cường
công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,
thông qua hội nghị, hội thảo… nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở chế
biến, người trồng chè về liên kết sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu;
sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất chè an toàn; hiệu quả sử dụng phân
bón chuyên dùng, trồng cây che bóng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc
biệt đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về an toàn thực phẩm.
3. Về kỹ
thuật và khoa học công nghệ
- Đối với diện tích chè trồng mới,
trồng lại, triệt để thực hiện quy trình thiết kế nương đồi, trồng cây che bóng,
tăng cường phân bón lót trước khi trồng; đảm bảo 100% diện tích trồng mới,
trồng lại được trồng bằng giống chè mới, nhân giống từ vườn
cây đầu dòng. Từng bước mở rộng vùng nguyên liệu chế biến chè xanh sẵn có theo
hướng
trồng mới, trồng thay thế diện tích chè trung du bằng các giống chè chất lượng
cao; phấn đấu, đến năm 2020, có 152 vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh
(quy mô liền đồi tối thiểu 5 ha/1 vùng) với diện tích 3.105 ha tại 7 huyện Tân
Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Phù Ninh, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba gắn với các cơ
sở chế biến, hợp tác xã, làng nghề chế biến chè xanh (Chi tiết có Phụ lục
VIII kèm theo);
- Đối với diện tích chè kinh doanh: Trồng bổ sung
cây che bóng và
che tủ bằng vật liệu tại chỗ để hạn chế tác hại biến đổi khí hậu và nâng cao độ
phì đất chè.
Sử
dụng phân bón chuyên dùng, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân
vi sinh, phân bón lá; áp dụng quy trình bón 20 - 30 tấn phân hữu cơ, theo chu kỳ
3 năm;
mở rộng diện tích
sản xuất chè an toàn, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chỉ sử dụng các loại
thuốc bảo
vệ thực vật
trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên chè và theo
kết quả điều tra dự tính, dự báo sâu bệnh hại; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa,
sử dụng máy hái chè đúng kỹ thuật; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới kết
hợp bón phân cho những vùng sản xuất nguyên liệu chế biến chè xanh, chè ô long;
- Về khoa học và công nghệ: Tiếp tục
chuyển giao,
ứng dụng
các tiến bộ kỹ thuật mới (giống, biện pháp canh tác, phân bón, công
nghệ tưới…) nhằm
nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu. Đổi mới thiết bị chế biến
theo hướng đồng bộ, hiện đại; sử dụng công nghệ cao trong bảo quản, đóng gói
sản phẩm như máy hút chân không, sao tẩm, máy ủ hương, máy đóng gói nâng cao
chất lượng sản phẩm.
4. Công tác khuyến nông,
dịch
vụ, đào
tạo nguồn nhân lực
- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chỉ
đạo, hướng dẫn phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
chè giữa doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân; mô hình sản
xuất chè an toàn;
- Thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề
cho lao động nông thôn đến năm 2020” trong đó chú trọng nội dung đào tạo nghề
trồng, chế biến chè. Thông qua công tác khuyến nông để tổ chức các chương trình
tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân trồng chè với các nội dung về kỹ thuật trồng,
chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, trồng cây che bóng, sử dụng máy hái chè đúng kỹ
thuật...;
- Thực hiện tốt khâu dịch vụ vật
tư
giống,
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến khích sử dụng các loại thuốc bảo vệ
thực vật, phân bón an toàn có nguồn gốc sinh học để tránh gây hại cho môi
trường, bảo vệ các loài thiên địch. Đẩy mạnh công tác điều tra, dự tính, dự báo
tình hình sâu bệnh hại chè và hướng dẫn nông dân phun trừ hiệu quả, đảm bảo an
toàn cho sản xuất và phát triển bền vững vùng chè;
- Xây dựng các mô hình
sản xuất theo chuỗi, mô hình sản
xuất chè xanh chất lượng cao, đặc biệt tập trung triển khai đạt kết quả mô hình
“Sản xuất chè xanh chất lượng cao theo hướng VietGAP tại huyện Thanh Sơn” thuộc
Hợp phần 3 - Dự án WB7 làm điểm thăm quan học tập và chỉ đạo nhân rộng.
5. Xây dựng thương hiệu, xúc tiến
thương mại
- Nâng cao nhận thức của người sản
xuất, kinh doanh về thương hiệu và phát triển thương hiệu. Tăng cường xúc tiến
việc xây dựng, đăng ký nhãn mác hàng hóa, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm để các
doanh nghiệp chế biến chè của tỉnh được gắn “thương hiệu Quốc gia chè Việt Nam”.
Lựa chọn 1 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã sản xuất chế biến chè để hỗ trợ xây dựng
thương hiệu chè Phú Thọ;
- Đối với thị trường nội tiêu: Tăng
cường xúc tiến thương mại trong nước, triển khai các hoạt động văn hóa trà kết
hợp với dịch vụ du lịch. Tổ chức, tham gia các hoạt động hội thảo,
festival quảng bá các sản phẩm chè. Phát triển các dòng sản phẩm chè
xanh chất lượng cao, sản xuất chè có chứng nhận, đa dạng hóa sản phẩm, và tăng
cường thiết kế bao bì mẫu mã phù hợp với xu thế tiêu dùng;
- Đối với thị
trường xuất khẩu: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá để mở rộng sang thị
trường chè cao cấp, khó tính nhằm nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản
xuất, kinh doanh chè.
6. Công tác quản lý
nhà nước
- Tăng cường công tác
quản lý và chỉ đạo thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch; thúc đẩy phát triển
hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp chế biến
với các hợp tác xã, làng nghề, trang trại. Đẩy mạnh công tác
thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách
hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng và phát huy cao nhất hiệu quả của chính sách;
- Làm tốt công tác quản lý nhà nước về giống chè; tổ chức
thẩm định, công nhận các vườn cây chè đầu dòng để làm nguồn vật liệu nhân giống
phục vụ sản xuất;
quản lý hoạt
động
kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng chè, kiên quyết xử lý các trường
hợp vi phạm;
- Tăng cường kiểm tra việc chấp hành
các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các
cơ sở chế biến chè trên địa bàn theo quy định tại QCVN
01-07:2009/BNNPTNT, kiên quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm.
7. Về chính sách
- Chỉ đạo tổ chức
triển khai chặt chẽ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên
địa bàn tỉnh
đã ban hành trong đó có hỗ trợ phát triển chè;
- Huy động, lồng ghép các nguồn
kinh phí từ các chương trình, dự án để tập trung đẩy mạnh
phát triển chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
8. Nguồn lực và nhu
cầu kinh phí: Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2016 - 2020 là 118,9 tỷ đồng (chi tiết
tại Phụ lục XI kèm theo), gồm:
8.1. Kinh phí từ ngân
sách tỉnh: 10.431 triệu đồng
- Dự kiến kinh phí hỗ
trợ phát triển chè theo chính sách của tỉnh: 9.431 triệu đồng;
- Kinh phí hỗ trợ xây
dựng thương hiệu chè Phú Thọ: 1.000 triệu đồng.
8.2. Kinh phí từ các
chương trình, dự án: 15.514 triệu đồng, trong đó:
a) Dự án Cải thiện
nông nghiệp có tưới (WB7): 11.309 triệu đồng, gồm:
- Đào tạo tập huấn: 1.200
triệu đồng; quy mô 3 lớp/năm 2016; 3 lớp/năm 2017 đến năm 2020;
- Mô
hình Sản xuất chè xanh chất lượng cao theo hướng VietGAP tại huyện Thanh Sơn; quy mô 30
ha; dự kiến kinh phí 6.309 triệu đồng; thực hiện năm 2017, 2018;
- Nhân rộng mô hình sản
xuất chè xanh chất lượng cao theo hướng VietGAP: 3.800 triệu đồng, trong 2 năm
2018, 2019.
b) Chương trình đào
tạo nghề: Dự kiến kinh phí 700 triệu đồng trong 5 năm từ 2016 - 2020.
c) Chương trình hỗ
trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Tân Sơn: 3.504 triệu đồng.
8.3. Kinh phí hỗ
trợ từ ngân sách các huyện 2.960 triệu đồng.
8.4. Kinh phí đầu tư
của người sản xuất: Khoảng 90.000 triệu đồng.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông
nghiệp và PTNT: Là cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND
tỉnh theo
dõi, đôn đốc, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch phát
triển cây, con chủ lực của tỉnh trong đó có kế hoạch phát triển cây
chè.
Hàng năm kiểm tra, đánh giá các cơ sở chế biến chè, đề xuất UBND tỉnh đình chỉ
hoạt động các cơ sở xếp loại C không khắc phục, không có vùng nguyên liệu.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND
tỉnh bố
trí,
lồng ghép
các
nguồn
vốn đầu tư; tăng
cường
xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước tham gia
đầu tư phát triển chè trên địa bàn.
3. Sở Tài
chính: Phối
hợp với Sở
Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện
các nội dung, nhiệm vụ Kế hoạch trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát
triển chè; thực hiện
cấp phát và quản lý phần kinh phí hỗ trợ, hướng dẫn thanh quyết toán vốn theo
quy định.
4. Sở Khoa học và
Công nghệ: Hướng
dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu chè
Phú Thọ nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của
tỉnh. Lựa chọn hỗ trợ các đề tài trồng, chế biến chè chất lượng cao.
5. Sở Tài nguyên và
Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở nông nghiệp và PTNT, UBND các
huyện xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với kế hoạch phát triển
cây chè;
chỉ đạo, hướng dẫn việc dồn đổi, tập trung đất đai phục vụ sản xuất hàng hóa.
6. Sở Công Thương: Chủ trì,
phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường các hoạt động xúc
tiến thương mại; khai thác, tìm kiếm, mở rộng thị trường; đề xuất các chính
sách để khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến theo hướng làm chủ công
nghệ tiên tiến, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; phối hợp với
Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành, thị rà soát, sắp xếp các cơ sở chế biến chè đảm bảo vùng
nguyên liệu.
7. UBND các
huyện vùng trọng điểm phát triển chè: Căn cứ kế hoạch của
UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, cụ thể trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt và trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương; bố trí kinh
phí hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện nhằm thúc đẩy phát triển chè trên địa bàn. Chủ trì
phối hợp với các sở, ngành có liên quan phân vùng nguyên liệu cho các doanh
nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn và chỉ đạo hợp đồng liên kết sản xuất
tiêu thụ sản phẩm giữa cơ sở, doanh nghiệp chế biến và người trồng chè.
8. Sở Thông tin và
Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về
chủ trương, chính sách phát triển chè; đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề vệ
sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè; các tiến bộ kỹ thuật mới;
liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản xuất chè an toàn nhằm nâng cao năng
suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.
9. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể cấp tỉnh
Phối
hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của
Kế hoạch; chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tích cực
tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng và tích cực tham gia thực
hiện Kế hoạch.
Yêu cầu giám đốc các
sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
chỉ đạo triển khai nghiêm túc kế hoạch nêu trên./.
Nơi nhận:
-
Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
-
TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh;
-
Các Sở: NN và PTNT, TC, KH và ĐT, CT, TT và TT, KH và CN, TN và MT;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Đài PT và TH tỉnh, Báo Phú Thọ;
- CVP, các PCVP;
- CV NCTH;
- Lưu: VT, KT5(02b)(V-55b).
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn
Thanh Hải
|
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|