Kế hoạch 5272/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 5272/KH-UBND
Ngày ban hành 17/11/2016
Ngày có hiệu lực 17/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5272/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21/11/2007, các Nghị định của Chính phủ: Số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008, số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại và các quy định của pháp luật liên quan về hóa chất, phòng cháy chữa cháy.

Xét đề nghị của Sở Công Thương (tờ trình số 80/TTr-SCT ngày 05/10/2016) về phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh,

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, với những nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu:

- Giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của sự cố hóa chất đến con người và môi trường.

- Là cơ sở để các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai và phối hợp đồng bộ trong công tác ứng phó với các sự cố hóa chất trên địa bàn.

- Từng bước xây dựng lực lượng nòng cốt và nâng cao năng lực ứng phó sự cố hóa chất của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

2. Phân cấp mức độ nguy hiểm của sự cố hóa chất:

Căn cứ vào phạm vi và mức độ nguy hiểm của các trường hợp mà sự cố hóa chất có thể xảy ra, phương án ứng phó được lập với 3 cấp độ, gồm:

- Cấp 1 (cấp cơ sở): Sự cố hóa chất xảy ra ở cơ sở, sự cố không lập tức gây nguy hại đối với tính mạng, tài sản, môi trường, sản xuất và kinh tế. Tình huống này có thể kiểm soát được bởi các biện pháp xử lý tại chỗ, trong trường hợp này chủ cơ sở phải tổ chức chỉ huy lực lượng của đội ứng phó sự cố hóa chất cấp cơ sở để triển khai thực hiện việc ứng cứu kịp thời. Đơn vị cơ sở chịu trách nhiệm huy động lực lượng và thực hiện các biện pháp xử lý, trường hợp sự cố hóa chất vượt quá khả năng của cơ sở, nguồn lực tại chỗ không đủ khả năng tự ứng cứu, xử lý thì chủ cơ sở phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường.

- Cấp 2 (cấp khu vực): Là trường hợp sự cố hóa chất gây ra những nguy hiểm nhất định đối với tính mạng, tài sản và môi trường (như: Cháy, nổ nhỏ, nhiễm độc hóa chất,...). Để kiểm soát được các tình huống này, ngoài việc triển khai các biện pháp ứng cứu bằng lực lượng tại chỗ của các đơn vị cơ sở còn phải có sự phối hợp, hỗ trợ ứng cứu của các lực lượng, phương tiện sẵn có gần kề khu vực xảy ra sự cố, trong trường hợp vượt quá khả năng ứng cứu của cơ sở hoặc của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh tổ chức ứng cứu theo kế hoạch, đồng thời đề xuất huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các khu vực trong tỉnh và phối hợp các tỉnh tiếp giáp để ứng cứu.

- Cấp 3 (cấp Quốc gia): Trường hợp sự cố hóa chất gây nên nguy hiểm nghiêm trọng đối với cuộc sống con người, môi trường hoặc có nguy cơ gây thiệt hại toàn bộ công trình (như: Chết người, cháy lớn, nổ lớn,...). Tình huống này có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc xuất phát từ các tình huống, sự cố thấp hơn do không kiểm soát được và phát triển theo xu hướng ngày càng xấu đi nghiêm trọng. Khi mức độ nguy hiểm vượt quá khả năng ứng phó của Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, UBND tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức ứng phó.

3. Quy trình ứng phó sự cố hóa chất:

- Giai đoạn 1: Tiếp nhận và xử lý thông tin:

Người phát hiện sự cố ngay lập tức báo cáo cho chủ cơ sở, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, đồng thời cung cấp chi tiết các thông tin có thể quan sát được, gồm: Vị trí xảy ra sự cố; số lượng và chủng loại hóa chất; tình trạng hiện tại về rò rỉ, tràn đổ, cháy, số nạn nhân quan sát được. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thông báo cho Thường trực Ban Chỉ đạo và Công an tỉnh.

- Giai đoạn 2: Huy động các lực lượng tham gia và tiến hành ứng phó sự cố hóa chất:

+ Sở Công Thương: Có trách nhiệm thông tin đầy đủ cho các cơ quan liên quan để triển khai kế hoạch ứng cứu theo phân cấp mức độ nguy hiểm, đồng thời thông báo và tham vấn ý kiến Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công Thương để đề nghị hỗ trợ khi cần thiết.

+ Các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo phân công trong kế hoạch ứng phó, bảo đảm an toàn cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo yêu cầu. Trong trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh trưng dụng phương tiện, tài sản của các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác ứng phó sự cố tại hiện trường.

+ Chủ cơ sở nơi xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm cung cấp thông tin và hợp tác với các lực lượng chức năng khi triển khai ứng phó sự cố hóa chất xảy ra tại đơn vị. Trong trường hợp nguồn nguy cơ vô chủ thì UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm cung cấp thông tin về địa hình và các phương án tiếp cận nơi xảy ra sự cố. Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, các thông tin phải được báo cáo thường xuyên và xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo.

- Giai đoạn 3: Kết thúc hoạt động ứng phó sự cố hóa chất và khắc phục hậu quả môi trường:

+ Sau quá trình ứng phó sự cố hóa chất tại hiện trường đã được bảo đảm, xử lý hoàn toàn, Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo với Trưởng ban để tuyên bố kết thúc quá trình ứng phó.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành công tác kiểm soát chất lượng môi trường, khắc phục sự cố môi trường. Sau khi xử lý, khắc phục sự cố Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo về hiện trạng môi trường đã trở lại an toàn để xem xét kết thúc hoạt động ứng cứu, thông báo cho các cơ sở, người dân trở lại hoạt động bình thường.

- Giai đoạn 4: Báo cáo đánh giá:

+ Tổ chức điều tra nguyên nhân gây ra sự cố, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tiến hành lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Chủ cơ sở xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm báo cáo về Ban Chỉ đạo nguyên nhân gây ra sự cố, tình hình thiệt hại, kế hoạch khắc phục sự cố tại cơ sở, phương án bồi thường thiệt hại cho các cơ sở xung quanh, chi phí cho việc ứng phó sự cố và khắc phục hậu quả tại cơ sở.

+ Các cơ quan thành viên báo cáo những hoạt động đã thực hiện của cơ quan, đơn vị mình về Thường trực Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo và cơ quan cấp trên có liên quan, tổ chức họp đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình ứng phó sự cố và thông cáo báo chí (nếu cần thiết).

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ