Kế hoạch 494/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 923/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 494/KH-UBND
Ngày ban hành 23/03/2023
Ngày có hiệu lực 23/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 494/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 23 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 923/QĐ-TTG NGÀY 02/8/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây viết tắt là Chương trình), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, MỤC TIÊU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 02/8/20221 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh Quảng Bình.

2. Yêu cầu

Các nhiệm vụ triển khai chương trình phải đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; thu hút sự tham gia các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan truyền thông, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các mục tiêu, giải pháp của kế hoạch thực hiện theo đúng Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Mục tiêu

3.1 Mục tiêu chung

Cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

3.2 Mục tiêu cụ thể

- Ứng dụng công nghệ mới, các giải pháp khoa học đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 20%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 75% mô hình được triển khai trong Chương trình được tiếp tục duy trì và nhân rộng.

- Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư.

- Tối thiểu 30% mô hình triển khai thuộc Chương trình được thực hiện tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt được các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Tối thiểu 30% sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (sở hữu công nghiệp, giống cây trồng) tăng trung bình 20% - 25%/5 năm so với giai đoạn 2016 - 2020.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

- Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với từng nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn: nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm tăng hiệu quả đầu tư, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

- Thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân làm khoa học và công nghệ phát huy tối đa tính sáng tạo, chủ động, tinh thần trách nhiệm đối với kết quả cuối cùng.

- Tiếp tục triển khai các chính sách, pháp luật về đất đai hướng tới bảo vệ môi trường; nghiên cứu chuyển đổi sử dụng đất hợp lý, ngăn chặn tình trạng suy thoái đất. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và khu dân cư nông thôn, hướng phát triển bền vững kết hợp tăng trưởng xanh.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, chủ thể OCOP áp dụng khoa học và công nghệ, các máy móc trang thiết bị vào sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, công nghệ truy xuất nguồn gốc, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thực hành nông nghiệp tốt (GAP)... nhằm hình thành các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP.

- Nghiên cứu các giải pháp phát huy vai trò của chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên các cấp trong xây dựng nông thôn mới (đặc biệt là cấp cơ sở), xem đây là vấn đề chiến lược để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững

2.1 Nghiên cứu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

- Nghiên cứu phát triển và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung kết hợp thực hiện thâm canh, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất hiệu quả tạo năng suất chất lượng, có sức cạnh tranh cao, có thị trường tiêu thụ tốt; ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP.

- Nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ trong các khâu sản xuất; trong đó chú trọng bảo quản, chế biến, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đăng ký các nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu hàng hóa, có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc cho nông sản.

- Nghiên cứu, ứng dụng nhanh công nghệ sinh học trong việc chọn, lai tạo và sản xuất kết hợp với nhập khẩu giống, chuyển giao công nghệ để sản xuất các loại giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như (cây lấy gỗ, cao su, hồ tiêu, lúa, ngô, lạc, khoai lang, sắn, cây ăn quả, rau màu, gia súc, gia cầm, thủy hải sản...); hỗ trợ phát triển các trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tạo đột phá phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao về sản xuất giống.

[...]