Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 216/KH-UBND
Ngày ban hành 30/03/2023
Ngày có hiệu lực 30/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Văn Đệ
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/KH-UBND

Nghệ An, ngày 30 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu tổng quát

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thúc đẩy liên kết giữa các vùng kinh tế, vùng sản xuất.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng - vận dụng kết quả nghiên cứu (bộ tài liệu) về cơ sở khoa học, thực tiễn và giải pháp trong quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

- Triển khai các đề tài, dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác và phát huy các giá trị văn hóa; đề xuất giải pháp chuyển giao công nghệ, nhân rộng, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế của từng vùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với đặc thù và phát huy thế mạnh của từng địa phương (đặc biệt tại các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới) trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm đặc thù từng địa phương.

- Đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, nông hộ hiểu biết và vận dụng hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và thích ứng biến đổi khí hậu.

3. Yêu cầu

- Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo 100% các xã trên địa bàn tỉnh được triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện.

- Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% đề tài/dự án/mô hình triển khai trong kế hoạch được các địa phương tiếp tục triển khai và nhân rộng.

- Tối thiểu 80% đề tài/dự án/mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư.

- Tối thiểu 25% đề tài /dự án/mô hình triển khai trong Chương trình được thực hiện ở các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nghiên cứu, áp dụng bộ tài liệu về kết quả nghiên cứu hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào điều kiện thực tế của tỉnh Nghệ An.

2. Vận dụng kết quả nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững vào điều kiện thực tế tỉnh Nghệ An.

3. Xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế, xã hội.

a) Mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa công tác thủy lợi để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái.

b) Mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại nông - lâm - thủy sản và quản trị nông thôn.

c) Mô hình làng sinh thái, làng thông minh đáp ứng an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

d) Mô hình khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát triển kinh tế rừng; trồng và bảo vệ rừng; phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

đ) Mô hình xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn.

e) Mô hình xã hội hóa, mô hình hợp tác công tư trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình hạ tầng nông thôn và bảo vệ môi trường.

4. Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

[...]