Kế hoạch 63/KH-UBND thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình năm 2024

Số hiệu 63/KH-UBND
Ngày ban hành 25/03/2024
Ngày có hiệu lực 25/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 25 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH NINH BÌNH NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; triển khai Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch số 24/KH-UBND, ngày 31/01/2024 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình năm 2024; theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 278/TTr-SKHCN ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, định hướng chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025.

- Xác định cụ thể các nội dung, công việc và trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, phù hợp với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các kế hoạch khác có liên quan, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và tình hình thực tiễn của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, địa phương; đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả, thống nhất giữa các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 (sau đây gọi là Chương trình) đã được UBND tỉnh phê duyệt

Các đề tài, dự án triển khai thực hiện trong Chương trình phải bám sát các nội dung, nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 42/KH- UBND ngày 10/3/2023, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

- Đề xuất được các giải pháp phát huy vai trò của chính quyền, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp (đặc biệt là cấp cơ sở); giải pháp phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; giải pháp đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp ở nông thôn; giải pháp nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới.

- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hướng tới xây dựng được các mô hình kinh tế trang trại, liên kết sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Xây dựng các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong hỗ trợ quản trị nông thôn; xã hội hóa công nghệ thông tin trong quản lý cộng đồng, kết nối thôn, làng, hợp tác xã, đáp ứng tốt hơn dịch vụ công trong cộng đồng cư dân nông thôn.

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong phát triển hạ tầng nông thôn bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; chú trọng đến thu gom và xử lý rác thải rắn, chất thải nhựa, nước thải sinh hoạt và làng nghề.

- Triển khai các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

- Tăng cường hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

2. Xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội

- Xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng công nghệ tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa công tác thủy lợi để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái.

- Xây dựng các mô hình làng sinh thái, mô hình khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

- Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng các mô hình điểm nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, sau đó đánh giá hiệu quả của các mô hình và nhân rộng.

3. Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

- Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng; sản phẩm của đề tài, dự án sau khi nghiệm thu được bàn giao cho đơn vị đề xuất đặt hàng để triển khai nhân rộng phục vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

- Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kiến thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nhằm thay đổi nhận thức cho người sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.

- Tổ chức các Hội thảo khoa học giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, trao đổi kiến thức, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật.

[...]